Tuyên truyền, phổ biến pháp luật tỉnh Lai Châu

http://pbgdpl.laichau.gov.vn


Người mắc bệnh tâm thần có được hưởng thừa kế?

Bác tôi sinh được hai người con một trai, một gái. Tuy nhiên, em gái tôi bị mắc bệnh tâm thần từ nhỏ, thường xuyên phải đi điều trị tại Bệnh viện tâm thần. Vừa qua, do tuổi cao sức yếu nên bác tôi đã qua đời. Đề nghị cho tôi biết:pháp luật có cho phép người bệnh tâm thần hưởng thừa kế không? Nếu được thì tài sản đó do ai quản lý?

Trả lời: 

- Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế như sau: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.

- Khoản 1 Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quản lý tài sản của người được giám hộ như sau

1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

- Khoản 2 Điều 48 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định người giám hộ như sau: “Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

- Điều 53 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự:

Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.

3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

- Khoản 1 Điều 54 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định cử, chỉ định người giám hộ như sau:

1. Trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.

Trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.

Trường hợp cử, chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người này.

Như vậy, pháp luật không hạn chế quyền hưởng thừa kế của người bị bệnh tâm thần. Do đó, người bị bệnh tâm thần vẫn được hưởng thừa kế; Tài sản của người mất năng lực hành vi dân sự do người giám hộ quản lý (quy định tại Khoản 1 Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015); Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 48, Điều 53, khoản 1 Điều 54 Bộ luật Dân sự 2015, tuy nhiên, trường hợp này thì người anh trai sẽ là người giám hộ đương nhiên cho em gái bị mất năng lưc hành vi dân sự.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down