Tuyên truyền, phổ biến pháp luật tỉnh Lai Châu

http://pbgdpl.laichau.gov.vn


Xử lý hành vi đòi tiền lãi và tiền phạt khi chuyển nhầm tiền vào tài khoản người khác

Để kiếm thêm thu nhập, tôi có tranh thủ bán hàng online. Hàng ngày, tài khoản của tôi có nhiều giao dịch chuyển khoản đi và đến. Chính vì vậy, do sơ ý không kiểm tra lại, khi nhận được một khoản tiền 20 triệu đồng, tôi vô tình rơi vào bẫy của một người cho vay nặng lãi.

Tôi chỉ biết điều này tại thời điểm sau 3 tháng họ gọi điện yêu cầu trả lãi, với mức 6%/tháng. Tôi cũng đã cố giải thích rằng họ đã chuyển nhầm, tôi không có nhu cầu vay mượn, nhưng không được họ chấp nhận. Họ yêu cầu tôi trả đủ lãi và không vay nữa thì thêm một khoản tiền phạt 5 triệu đồng. Nếu không, họ sẽ thuê người đến tận nhà tôi đòi tiền, thậm chí, báo công an xử lý tôi về tội chiếm giữ tài sản bất hợp pháp của người khác.

Xin hỏi các anh chị, tôi có phải thực hiện yêu cầu của người đã chuyển nhầm tiền vào tài khoản của tôi như trên hay không?

Trả lời

Hợp đồng vay tài sản, theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015, “là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản của bạn, có nghĩa giữa hai bên không thỏa thuận về việc cho vay tiền.

Ngay cả khi có hợp đồng cho vay, thỏa thuận về lãi suất giữa hai bên vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật. Bởi vì, Điều 468 của Bộ luật này quy định:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.

Người cho vay yêu cầu bạn trả lãi 6%/tháng, tương ứng là 72%/năm là không đúng quy định của pháp luật. Đó cũng là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý người cho vay về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, được quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên155, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Việc trả lại số tiền chuyển nhầm, có thể thực hiện trực tiếp hoặc yêu cầu ngân hàng nơi mở tài khoản trợ giúp.

Khi người khác chuyển nhầm tiền, về nguyên tắc bạn cần thông báo cho ngân hàng phục vụ mình để xác minh và chuyển trả lại ngay, đầy đủ cho họ. Việc bạn chưa chuyển vì sơ suất trong việc kiểm tra giao dịch không thể xác định bạn cố tình chiếm đoạt.

Điều 165 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về chiếm hữu có căn cứ pháp luật như sau:

“1. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:

a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;

b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;

c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;

d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Trường hợp khác do pháp luật quy định.

2. Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật”.

Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Trong trường hợp của bạn, người chuyển nhầm tiền vào tài khoản của bạn có quyền này, nhưng không có quyền yêu cầu bạn trả tiền lãi và tiền phạt (05 triệu đồng). Đe dọa bạn để lấy tiền, họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản, được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đó là:

“1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Theo chúng tôi, bạn nên chủ động báo cho chính quyền sở tại, cơ quan Công an để giải quyết. Trên thực tế, đây có thể là thủ đoạn lừa đảo, cố tình chuyển tiền nhầm vào tài khoản của người khác để ép vay nặng lãi hoặc cưỡng đoạt tài sản.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down