Tuyên truyền, phổ biến pháp luật tỉnh Lai Châu

http://pbgdpl.laichau.gov.vn


Nhốt giam người khác để đòi nợ bị xử lý thế nào?

Năm ngoái, do có việc gấp , em có vay lãi ngoài của người trong khu phố với số tiền 100 triệu đồng, với lãi suất 5%/tháng, trong thời gian 1 năm. Do 2 tháng vừa qua, em bị thất nghiệp nên không trả lãi hàng tháng.Em bị điện thoại rất nhiều lần đe doạ người thân gia đình em.

Hôm trước, chủ nợ bắt em ở ngoài đường và đưa về quán nhốt lại sau đó cho người đánh đập em. Xin hỏi hành vi của chủ nợ bị xử lý thế nào? Mức lãi suất mà chủ nợ cho em vay có đúng với quy định của pháp luật hay không?

Trả lời:

Hiến pháp Việt Nam là đạo luật cao nhất đã quy định về việc bảo vệ quyền con người. Tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định như sau

“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kì hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Như vậy, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Do vậy, chủ nợ có hành vi nhốt và đánh em. Đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Bạn có thể làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ tính mạng mình và xử lý trách nhiệm đối với chủ nợ. Với hành vi này, chủ nợ có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 và Điều 157Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân."

Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Bạn cũng nên lưu ý quy định lãi suất được quy định cụ thể trong Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó:

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Như vậy, theo quy định của Bộ luật dân sự thì tối đa mức lãi suất này là 20%/năm tức là không quá 1,667%/tháng. Hiện chủ nợ cho bạn vay với mức 5%/tháng là cao gấp hơn 3 lần so với quy định của pháp luật. Đây là hành vi cho vay không đúng với quy định của pháp luật. Bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp để bảo vệ quyền lợi của bạn.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down