Tuyên truyền, phổ biến pháp luật tỉnh Lai Châu

http://pbgdpl.laichau.gov.vn


Trồng cây cần sa bị xử phạt như thế nào?

Lợi dụng nơi ở vắng vẻ và ít người qua lại, anh K đã trồng một vài cây cần sa trong chậu cây cảnh, nói là cây thuốc chữa bệnh. Được tin báo của nhân dân, lực lượng chức năng đã đến làm việc để xử lý. Đề nghị cho biết việc trồng cần sa của anh K có vi phạm pháp luật không?

Trả lời

- Điều 247 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như sau:

“1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

 - Khoản 3 Điều 21 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:

“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều này”.

- Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đi với cá nhân.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật thì việc anh K trồng cần sa là vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự mà bị xử phạt hành chính và mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, anh K còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là số cây cần sa mà anh đã trồng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down