Tuyên truyền, phổ biến pháp luật tỉnh Lai Châu

http://pbgdpl.laichau.gov.vn


Đừng nặng về thách cưới...

Sau khi lập gia đình, do khó khăn đường con cái, vợ chồng bà Liên chạy chữa mãi mới sinh được cô con gái đặt tên là Ngọc. Đúng như tên gọi của con, ông bà cưng con như ngọc như ngà, bao nhiêu tâm huyết đều dành hết cho con. Từ nhỏ đến lớn, Ngọc được cha mẹ đầu tư học hành đến nơi, đến chốn. Không phụ công người sinh thành, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, Ngọc trở thành một cô giáo dạy giỏi và sớm nhận công tác tại một trường cấp ba của huyện. Ông, bà Liên rất tự hào, hãnh diện về con. Bà thường nói với con chỉ mong đến ngày con dẫn về “ra mắt” một chàng rể tài giỏi cho tương xứng với con là bà mãn nguyện.

Rồi cái ngày bà mong mỏi ấy cũng tới, nhưng Ngọc không dẫn về một chàng trai như cha mẹ cô mong đợi. Người yêu của cô là một người công nhân hiền lành, chăm chỉ và gia đình không phải diện “môn đăng hậu đối” với gia đình Ngọc. Thấy con gái chọn rể không “tương xứng” theo cách đánh giá của cha mẹ, bà Liên lúc đầu ra sức khuyên nhủ rồi cấm đoán nhưng Ngọc chỉ khăng khăng chỉ lấy người mình yêu. Cô còn nói nếu cha mẹ cứ ngăn cản, cô sẽ không lập gia đình nữa. Biết không thể lay chuyển được con gái, ông, bà Liên đành phải chiều theo ý con nhưng bà bàn với ông phải thách cưới sao cho xứng với cô con gái “lá ngọc cành vàng” mà ông bà biết bao công chăm sóc, nuôi dạy.

Sau khi hai gia đình gặp gỡ bàn chuyện cưới xin, bà chủ động nói với nhà trai phải chuẩn bị lễ cưới sao cho “ra tấm, ra miếng” vì bà bảo đời người chỉ có một lần lấy vợ, lấy chồng. Bà còn nói: Dù nhà trai không có đi chăng nữa thì cũng phải vay mượn để tổ chức đám cưới mới xứng tầm với con gái và vị thế gia đình bà. Các con cưới nhau xong, bà có mỗi cô con gái thì nhà cửa, tài sản ông, bà cũng sẽ dành cho con hết, như vậy nhà thông gia đã là quá “lãi”. Với suy nghĩ đó, bà đã nói với nhà trai yêu cầu về lễ thách cưới con gái: từ tiền mua lễ vật, tiền lễ, tiền thuê xe sang rước dâu… cũng ngót trăm triệu đồng. Vì hạnh phúc của con, nhà trai cũng “bấm bụng” thương thuyết, xin giảm bớt một số yêu cầu nhưng bà nhất quyết không đồng ý. Bà còn bóng gió xa xôi “nếu không làm được thì không cưới xin gì nữa”. Thấy vậy, đại diện nhà trai cũng “mát mẻ” rằng “không biết bà thách cưới hay là bán con”… Hai bên cứ lời qua, tiếng lại, cuối cùng người lớn tuyên bố hủy đám cưới dù thiệp cưới đã đặt in và chỉ đợi ngày tổ chức. Chỉ khổ đôi trẻ, vì sự xích mích của bố mẹ hai bên mà cứ chạy tới, chạy lui để xoa dịu và thuyết phục nhưng không bên nào đồng ý.

Thấy cháu gái của mình cứ thẫn thờ, không thiết ăn uống gì, dì ruột của Ngọc khuyên can anh chị mình không được đã nhờ bà Hòa là Tổ trường Tổ hòa giải và nhờ bà giúp đỡ.

Lựa buổi chiều rỗi rãi, bà Hòa sang nhà bà Liên chơi và nói chuyện. Bà đã phân tích để bà Liên nhận thấy: Thách cưới là tục lệ từ thời phong kiến và đã được xóa bỏ từ lâu nhưng hiện nay ở không ít vùng quê vẫn còn tồn tại. Nhiều ông bố, bà mẹ bên nhà gái nghĩ rằng mình đã bao công chăm sóc, nuôi dạy con gái nên yêu cầu nhà trai phải mang sính lễ tương xứng mới được rước dâu về. Sính lễ càng nhiều, càng được họ hàng, làng xóm khen ngợi thì càng được “nở mày, nở mặt” với thiên hạ. Còn nhà trai, không phải gia đình nào cũng có điều kiện đáp ứng ngay mà phải chạy vạy vay mượn rồi cuối cùng nợ nần lại “chất” lên đôi vợ chồng trẻ. Đây là sai lầm của cha, mẹ mà hậu quả chính con cái của họ phải gánh chịu. Trên thực tế, có không ít gia đình, sau lễ cưới tổ chức rình rang, hai vợ chồng phải “kéo cày” trả nợ. Hạnh phúc của họ vì thế mà cũng bị ảnh hưởng. Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định rất cụ thể về quan hệ giữa cha mẹ và con, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con; theo đó, cha mẹ có nghĩa vụ “thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội”... Bà Hòa còn bảo, hạnh phúc của con trẻ mới là điều cha mẹ nào cũng mong muốn. Bà Liên có hạnh phúc không khi nhìn thấy con gái đang tươi xinh giờ trở nên héo hon phiền muộn. Chi bằng tổ chức vừa phải với kinh tế của gia đình hai bên, vừa phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay cũng là một cách ứng xử văn minh cần thiết.

Về phía nhà trai, bà Hòa cũng tìm cách gặp gỡ, khuyên giải để họ nhận thấy đừng vì cái “tôi” của mình mà làm lỡ hạnh phúc trăm năm của các con. Nghe bà phân tích có lý, có tình nên họ đã chủ động sang nhà gái gặp gỡ, nói chuyện để tìm “tiếng nói chung”. Nhờ sự bền bỉ, kiên trì thuyết phục, bà Hòa  đã giúp hai bên gia đình dần xích lại gần nhau hơn… Đến giờ, Ngọc vẫn cứ biết ơn và khen ngợi nhờ bác hòa giải viên mát tay cô mới được kết hôn với người mà cô yêu thương.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down