Tuyên truyền, phổ biến pháp luật tỉnh Lai Châu

http://pbgdpl.laichau.gov.vn


BIÊN SOẠN SÁCH PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG

1. Phổ biến pháp luật thông qua sách pháp luật

Sách pháp luật là một loại tài liệu phổ biến pháp luật. Phổ biến pháp luật thông qua văn hoá đọc của người đọc sách là hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đặc thù. Đặc trưng của hình thức này là truyền bá những nội dung, kiến thức pháp luật thiết yếu trong đời sống cho mọi người thông qua việc đọc sách. Người dân có thể chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp cận kiến thức pháp luật qua việc đọc sách, nghiên cứu sách để đáp ứng nhu cầu của bản thân.
Có nhiều loại sách pháp luật:
-         Sách nghiên cứu pháp luật: bình luận khoa học, phân tích, giải thích các vấn đề, bình luận nội dung các điều luật, từ điển luật...
-         Sách dạy, học pháp luật: sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ việc giảng dạy và học pháp luật trong nhà trường.
-         Sách pháp luật phổ thông: sách hỏi đáp pháp luật, sách hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, sách pháp luật bỏ túi…
-         Sách hệ thống hoá văn bản pháp luật.
Cũng như các hình thức phổ biến pháp luật khác, phổ biến pháp luật thông qua sách pháp luật có những ưu thế nhất định.
Ưu thế:
-         Phổ biến được nhiều vấn đề, nhiều nội dung pháp luật;
-         Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhiều đối tượng với nhiều trình độ nhận thức khác nhau;
-         Người dân có thể tự tìm hiểu, tiếp cận và lĩnh hội các nội dung pháp luật qua việc đọc sách, chủ động nghiên cứu các vấn đề được viết trong sách;
-         Người dân chủ động về thời gian và các nội dung pháp luật cần tìm hiểu theo nhu cầu của bản thân.
Nhược điểm:
-         Hiệu quả việc phổ biến pháp luật qua sách pháp luật quan hệ chặt chẽ với chất lượng biên soạn sách;
-         Kiến thức người dân thu nhận được thông qua việc đọc sách, nghiên cứu sách pháp luật gắn với trình độ dân trí. Ở những nơi trình độ dân trí thấp hoặc tỷ lệ mù chữ cao, phổ biến pháp luật qua sách không đem lại hiệu quả mong muốn;
-         Phổ biến pháp luật qua sách phụ thuộc vào tính chủ động của người đọc, vào sở thích, thói quen đọc sách của người dân. Không thể bắt người dân đọc sách khi bản thân họ không muốn hoặc không có nhu cầu.
Tuỳ nội dung pháp luật và nhu cầu cần tìm hiểu, nghiên cứu, người đọc có thể quan tâm đến các loại sách khác nhau nhưng nhìn chung thì: 
-         Cán bộ nghiên cứu pháp luật thường sử dụng sách nghiên cứu, hệ thống hoá văn bản pháp luật.
-         Học sinh, sinh viên thường sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ môn học pháp luật trong chương trình giáo dục.
-         Người dân có nhu cầu tìm hiểu pháp luật thường sử dụng sách phổ thông như sách hỏi đáp pháp luật, sách pháp luật bỏ túi hoặc hệ thống hoá pháp luật.
-         Cán bộ công chức thường sử dụng sách hệ thống hoá pháp luật, bình luận pháp luật, từ điển pháp luật.
          Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến việc biên soạn sách pháp luật phổ thông như một hình thức phổ biến pháp luật phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân. Để thực hiện được mục tiêu này, việc biên soạn sách pháp luật phổ thông phải đáp ứng được một số yêu cầu nhất định.  
2. Yêu cầu chung đối với việc biên soạn sách pháp luật phổ thông
- Thứ nhất về nội dung, nội dung sách phải gồm các vấn đề phổ biến, thường gặp trong đời sống hàng ngày, được nhiều người quan tâm, liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật, đến các trình tự, thủ tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân hoặc có liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý xã hội.
Thứ hai về bố cục, sách phải có bố cục rõ ràng, kết cấu lôgic, chặt chẽ, câu văn ngắn gọn, súc tích; ngôn ngữ giản dị, bình dân, dễ hiểu và chỉ mang một nghĩa, giúp ng­ười đọc hiểu một cách chính xác, thống nhất đúng với các quy định của pháp luật và dễ thực hiện.
Thứ ba về hình thức, sách cần đ­ược trình bày sáng sủa, khổ chữ vừa phải, dễ đọc, chất lượng in rõ, khổ sách và độ dày vừa phải, gọn gàng, dễ mang theo, thuận tiện cho người sử dụng. Sách phục vụ các đối tượng là trẻ em phải có tranh minh họa, sách phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số phải được dịch ra tiếng dân tộc kèm theo tranh minh hoạ giúp cho người sử dụng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.
Thứ t­ư, giá sách hợp lý, phù hợp với mức thu nhập trung bình của nhân dân, tạo điều kiện cho nhiều ng­ười có nhu cầu có khả năng mua sách.
3. Tổ chức biên soạn sách pháp luật phổ thông
Việc tổ chức biên soạn sách pháp luật cần theo các bước sau:
3.1. Xây dựng kế hoạch biên soạn sách
Kế hoạch biên soạn sách cần có các nội dung:
-  Mục đích, yêu cầu biên soạn sách: căn cứ mục đích của việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong từng giai đoạn, từng địa bàn để xác định mục đích biên soạn sách: tuyên truyền về những vấn đề, những nội dung pháp luật gì, tuyên truyền cho đối tượng nào;
-  Đối t­ượng sử dụng sách: chính là đối tượng cần được tuyên truyền đối với sách pháp luật phổ thông đối tượng thường là những người dân có nhu cầu tìm hiểu pháp luật;
-  Các nội dung chủ yếu của cuốn sách (dự thảo đề cương sách hoặc kèm theo kế hoạch là Đề cương chi tiết cuốn sách);
-  Thời gian hoàn thành và giao nộp bản thảo;
-  Các thông số về cuốn sách: khổ sách, độ dày, số trang, số phát hành, giá bìa;
-  Số l­ượng in, nơi in;
-  Ph­ương thức phát hành;
-  Nguồn kinh phí phục vụ việc biên soạn, phát hành sách.
Có một số loại nguồn kinh phí như­ sau:
+   Sử dụng kinh phí tuyên truyền, phổ biến pháp luật do ngân sách Nhà n­ước cấp.
+  Kinh phí do Nhà xuất bản đầu tư­ nếu sách được Nhà xuất bản đặt hàng hoặc đưa vào danh mục đăng ký sách xuất bản trong năm. Trư­ờng hợp này thường Nhà xuất bản sẽ có trách nhiệm chính trong việc phát hành sách.
+  Kinh phí do dự án của các tổ chức quốc tế tài trợ để hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, th­ường áp dụng đối với sách pháp luật bỏ túi, tờ rơi, tờ gấp. Trong tr­ường hợp này các tài liệu thường được phát hành miễn phí cho nhân dân.
3.2. Thành lập Ban biên tập và dự kiến người tham gia biên soạn:
-  Trư­ởng Ban biên tập kiêm Chủ biên cuốn sách - là ngư­ời chịu trách nhiệm chính về nội dung cuốn sách, có trách nhiệm đọc, chỉnh lý và duyệt lần cuối cùng tr­ước khi đư­a in sách;
-  Ban biên tập là những người tổ chức quá trình biên soạn và trực tiếp biên tập;
-  Ng­ười tham gia biên soạn sách thường là các chuyên gia trong những lĩnh vực có liên quan đến nội dung sách.
3.3. Tổ chức họp Ban biên tập triển khai việc biên soạn và thống nhất các vấn đề.
-  Kế hoạch biên soạn sách,  mục đích, đối t­ượng sử dụng sách;
-  Nội dung sách: bố cục sách (mấy phần), nội dung cụ thể trong từng phần (đề cương chi tiết);
-  Thống nhất cách biên soạn;
-  Dự kiến ng­ười tham gia biên soạn;
-  Cung cấp các văn bản, tài liệu tham khảo có liên quan đến nội dung sách.
3.4. Biên tập
Biên tập lần một: Sau khi thu bản thảo, Ban biên tập tổ chức biên tập lần thứ nhất. Mục đích của việc biên tập lần thứ nhất là:
-         Xác định xem nội dung cuốn sách được biên soạn đã thể hiện đúng mục tiêu, yêu cầu và phù hợp với đối tư­ợng sử dụng như­ trong kế hoạch đề ra chưa.
-         Soát lại câu chữ, cách hành văn, ngữ pháp, lỗi chính tả và hình thức thể hiện cho thống nhất.
Sau khi biên tập lần thứ nhất nếu thấy bản thảo đạt yêu cầu thì gửi cho các chuyên gia để xin ý kiến thẩm định.
Nếu bản thảo chưa đạt yêu cầu Ban biên tập sẽ đề nghị người viết sửa lại theo đúng mục tiêu, yêu cầu trong kế hoạch đề ra.
Biên tập lần hai: trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia thẩm định, biên tập viên đọc lại bản thảo  trực tiếp sửa chữa, chỉnh lý lại nội dung đối với những sai sót không nhiều, không ảnh hư­ởng lớn đến cuốn sách nếu thấy ý kiến của chuyên gia thẩm định là chính xác.
Biên tập viên đọc lại và hoàn chỉnh bản thảo sau đó đưa chủ biên đọc duyệt lần cuối.
Trường hợp có những sai sót lớn hoặc có ảnh hưởng đến bố cục hay nội dung sách thì cần báo cáo với chủ biên và đề nghị ng­ười viết biên soạn lại theo các ý kiến đóng góp.
3.5. Thẩm định
Ngư­ời thẩm định là các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực pháp luật liên quan đến nội dung sách. Người thẩm định chủ yếu đọc góp ý, sửa chữa nội dung sách, tính chính xác của các phân tích, giải thích và trích dẫn, các quy phạm pháp luật nêu trong sách.
3.6. In ấn, phát hành:
Đối với các sách biên soạn theo yêu cầu của nhà xuất bản thì chỉ cần chuyển bản thảo sang cho nhà xuất bản. Việc in và phát hành sẽ do nhà xuất bản đảm nhiệm. Đối với các sách do cơ sở tự biên soạn thì phải làm thủ tục như: xin giấy phép xuất bản, liên hệ với nhà in chuẩn bị các thủ tục in sách (làm ma két bìa, liên hệ với nhà in ký hợp đồng in có quy định rõ giá thành, phương thức thanh toán, xác định giá bán nếu là sách bán thu tiền). Nộp l­ưu chiểu sau khi in xong, giới thiệu sách trên các phư­ơng tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.
4. Kỹ năng biên soạn nội dung sách pháp luật phổ thông
Sách pháp luật phổ thông gồm: sách hỏi đáp pháp luật, sách hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, sách pháp luật bỏ túi. Với mỗi loại sách có những điểm khác nhau trong kỹ năng biên soạn.
4.1. Sách hỏi đáp pháp luật
Sách hỏi đáp pháp luật có thể sử dụng để tuyên truyền, phổ biến một văn bản, một nội dung, một lĩnh vực pháp luật.
Nội dung sách hỏi đáp pháp luật có thể là một nội dung, một lĩnh vực pháp luật (như nuôi con nuôi, hộ tịch hay luật đất đai) hoặc gồm nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến các quan hệ xã hội thư­ờng gặp trong đời sống hàng ngày.
Bố cục sách có thể sắp xếp theo:
-         Theo đối t­ượng như: trẻ em, học sinh, phụ nữ, nông dân, người lao động trong các loại hình doanh nghiệp..
-         Theo vấn đề, theo nội dung pháp luật hoặc các lĩnh vực pháp luật: hợp đồng dân sự, thừa kế,  bồi thường thiệt hại, hình sự, lao động, kinh tế....
Kỹ năng biên soạn sách hỏi đáp pháp luật chủ yếu dựa trên phương pháp đặt câu hỏi và cách trả lời câu hỏi. Có các dạng câu hỏi sau:
-  Câu hỏi trực tiếp: hỏi trực tiếp vào nội dung vấn đề. Câu hỏi trực tiếp thường dùng trong trường hợp cần giải thích các khái niệm, các thuật ngữ pháp lý, hoặc các vấn đề có tính lý thuyết.
Ví dụ: “Thế nào là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình”, “Công ty  trách nhiệm hữu hạn một thành viên là gì?”
Đối với câu hỏi trực tiếp, câu trả lời thường gồm hai phần: nêu định nghĩa (hoặc nội dung) của khái niệm, thuật ngữ; giải thích nội dung các khái niệm, thuật ngữ sau đó đưa ra một ví dụ minh hoạ.
- Câu hỏi gián tiếp: Câu hỏi gián tiếp được xây dựng trên cơ sở thông qua một tình huống, một sự việc thư­ờng xảy ra trong thực tế để đư­a ra câu hỏi. Câu hỏi gián tiếp thường được dùng trong các trường hợp tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của người dân, các thủ tục hành chính trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Câu hỏi gián tiếp còn được sử dụng trong các trường hợp muốn làm rõ một quy định nào đó của pháp luật.
Ví dụ: “Bà M 55 tuổi, sống độc thân nên muốn nhận cháu T 11 tuổi làm con nuôi để có chỗ dựa khi về già, những bà vẫn phân vân do chưa biết các quy định về điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi, người được nhận làm con nuôi và thủ tục nhận nuôi con nuôi. Đề nghị cho chúng tôi biết các quy định của pháp luật về những vấn đề trên”.
Đối với câu hỏi loại này trước tiên cần trả lời trực tiếp vào tình huống câu hỏi đặt ra sau đó chỉ dẫn đến các quy định của pháp luật trong các văn bản có liên quan đến câu hỏi để người dân có thể tìm hiểu thêm khi cần. Cũng có thế đảo lại bằng cách đưa ra các quy định của pháp luật liên quan đến tình huống trong câu hỏi, sau đó dựa trên các quy định đó trả lời cho tình huống được hỏi.
- Câu hỏi mở: thông qua một tình huống, một sự việc để hỏi về một vấn đề. Câu hỏi mở th­ường áp dụng trong trường hợp hướng dẫn cách giải quyết một vụ việc, hướng dẫn việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân.
Ví dụ: “Nhà ông H mở lò mổ gia súc ngay trong khu dân c­ư làm ô nhiễm môi trường sinh hoạt của cả khu, khi chúng tôi có ý kiến thì ông bảo mọi ng­ười đều có quyền tự do kinh doanh. Trong trư­ờng hợp này chúng tôi phải làm gì để giữ gìn được môi tr­ường sống mà không ảnh hư­ởng đến quyền tự do kinh doanh của ông H”.
Đối với câu hỏi loại này câu trả lời cần phân tích sự việc, đối chiếu với quy định của pháp luật sau đó h­ướng dẫn cách giải quyết cụ thể.
Tuy nhiên, dù câu hỏi đ­ược đặt dưới dạng nào cũng cần ngắn gọn, rõ ràng, chỉ hỏi về một vấn đề, một vụ việc hoặc một lĩnh vực nhất định để tránh trường hợp câu trả lời quá dài dòng gây rối, khó hiểu cho ng­ười đọc.
4.2. Sách hướng dẫn tìm hiểu pháp luật
Sách hướng dẫn tìm hiểu pháp luật thường sử dụng để tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật (luật, bộ luật, pháp lệnh, nghị định) mới ban hành, mới sửa đổi, bổ sung.
Việc biên soạn sách hướng dẫn tìm hiểu pháp luật phải đảm bảo các yêu cầu chung nêu trên.
Về nội dung, bố cục sách tìm hiểu pháp luật cần chú ý một số điểm sau:
-         Nội dung sách th­ường chỉ gắn với một văn bản pháp luật hoặc một số nội dung chính của một văn bản pháp luật.
-         Bố cục sách có thể như sau:
+  Vài nét về tình hình thực tế liên quan trực tiếp đến các vấn đề thuộc nội dung sách.
+  Giải thích các khái niệm, thuật ngữ nêu ra trong nội dung sách;
+  Các quy định của pháp luật về vấn đề nêu trong nội dung sách;
+  Các điểm mới, điểm sửa đổi, bổ sung (nếu có) so với các quy định pháp luật trước đây.
+  Hướng dẫn thực hiện.
Tất cả các nội dung trong sách đều phải viết thật ngắn gọn, cô đọng, rõ ràng mạch lạc dễ hiểu để sách không quá dài và quá nhiều chữ.
4.3.  Sách pháp luật bỏ túi
Về cơ bản sách pháp luật bỏ túi cũng giống với sách hướng dẫn tìm hiểu pháp luật
Nội dung sách pháp luật bỏ túi th­ường chỉ đề cập đến một hoặc hai vấn đề. Mỗi vấn đề là một phần độc lập. Trong từng phần, bố cục như sau:
+  Giải thích các khái niệm, thuật ngữ nêu ra trong nội dung sách;
+  Các quy định của pháp luật về vấn đề nêu trong nội dung sách;
+  Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật trong nội dung.
Nội dung sách phải viết ngắn, gọn. Có thể viết chữ to nếu sách dành cho trẻ em, cho đồng bào dân tộc thiểu số, hoặc các đối tượng sau xoá mù chữ.
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down