Tuyên truyền, phổ biến pháp luật tỉnh Lai Châu

http://pbgdpl.laichau.gov.vn


Câu chuyện nhà hàng xóm?

Gia đình chị Hậu mới chuyển về khu tái định cư X, vừa mừng vui vì chuyển tới nơi ở mới khang trang, thoáng mát, thì sau vài tuần chị tá hoả vì âm thanh của dàn Karaoke của nhà anh Bình bên cạnh.

Càng về cuối năm, tần suất càng nhiều hơn, ở nhà một mình anh cũng hát, đầu năm còn hát nhiều hơn vi nhà anh Bình thường xuyên tổ chức gặp gỡ liên hoan, nhậu nhẹt. Có những hôm 10-11h đêm vẫn vang tiếng hát hò với công suất lớn.

Khu nhà  tái định cư mới, nhà anh Bình về đầu tiên, xong đến nhà chị Hậu nên chỉ mình chị Hậu lĩnh đủ. Chịu không nổi, chị sang góp ý hạn chế và bật nhỏ loa để không ảnh hưởng đến nhà hàng xóm nhưng anh Bình có vẻ không hài lòng, vẫn tiếp khách và bật karaoke như thường lệ. Cho đến khi nhà chị Hậu không chịu được nữa vì bố chồng chị bị tai biến, phải lên ở hẳn nhà chị để tiện có người chăm sóc, mà tần suất hát của nhà anh Bình chỉ giảm đi chút đỉnh. Bực quá chồng chị Bình sang yêu cầu ngừng hát, hai bên lời qua tiếng lại và suýt xảy ra xô xát vì không bên nào chịu bên nào.

- Tôi mua dàn karaoke để hát xả xì trét, âm lượng cũng chỉ vừa đủ gia đình, việc ca hát và thích hát là nhu cầu của tôi, anh chị không có quyền cấm cản – anh Bình cự cãi.

Chuyện được phản ánh đến tổ dân phố, dù mới được thành lập nhưng nghe được câu chuyện, bác tổ trưởng dân phố đã đến nhà hai người để lắng nghe. Bác yêu cầu anh Bình bật âm thanh như khi thường hát và đề nghị anh Bình sang nhà chị Hậu để nghe và chứng kiến cảnh cụ ông mới bị bệnh đang rất cần yên tĩnh như thế nào.

Quay sang anh Bình, bác Cường nói: “Ca hát là nhu cầu chính đáng, không có vấn đề gì hết nhưng nó chỉ chính đáng khi không làm ảnh hưởng đến người khác. Thực tế ‘karaoke xóm’ gây ảnh hưởng rất lớn đó cháu ạ. Ở khu dân cư nào cũng có người già, trẻ em cần thời gian yên tĩnh nghỉ ngơi, học tập… mà cứ hát ra rả vào ban trưa, tối khuya, thậm chí hò hét suốt ngày thì chỉ hàng xóm là chịu đựng thôi cháu ạ. Nếu muốn hát, cháu phải cách âm để lời ca tiếng hát của cháu đừng làm phiền người khác, nhất là tình nghĩa xóm giềng đó cháu!”

- Nhưng nhà cháu trước ở dưới mặt đất, xung quanh cũng có hàng xóm mà cháu hát có ảnh hưởng gì đâu, chả ai nói gì cả bác ạ!!!

- Mỗi khu dân cư có đặc thù riêng cháu ạ, nhiều nơi dân cư chưa đông, không sát vách thì tiếng ồn có thể chấp nhận được. Nhưng ở đô thị đông đúc dân cư, nhất là ở chung cư như thế này mà mọi người làm việc, sinh hoạt có giờ giấc mà bị hát hò đinh tai nhức óc thì rất không nên, rất là phản cảm cháu ạ! Có nhiều trường hợp còn xảy ra án mạng vì tiếng karaoke đó cháu!

- Vâng, bác nói vậy để cháu xem có thể giảm âm lượng hoặc làm thêm cách âm để không ảnh hưởng nhà hàng xóm chứ thói quen lâu rồi khó bỏ bác ạ…

Ngay sau đó, anh Bình đã nghiên cứu làm phòng cách âm và đặt lại chỗ để loa, âm thanh vì thế cũng giảm đi đáng kể và nhà chị Hậu cũng không cảm thấy ảnh hưởng vì tiếng ồn vì tiếng Karaoke nhà anh Bình nữa.

Theo quy định tại Mục 2.1Thông tư 39/2010/TT-BTNMTvề Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (21h đến 6h).

Nếu hành vi sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép trên thì có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP, cụ thể:

Điều 22. Vi phạm các quy định về tiếng ồn

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.

6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.

7. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.

8. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.

9. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.

10. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên.

11. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 8, 9 và 10 Điều này.

12. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra;

b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down