Triển khai thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2021–2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Thứ ba - 08/06/2021 03:032.5810
Để triển khai, thực hiện Quyết định số 1472/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, ngày 08/6/2021 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1601/KH-UBND về triển khai thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Tại Kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh đã xác định mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể và đưa ra 7 nội dung hoạt động đó là: 1. Truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, kỹ năng về bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, xã hội, cha mẹ và trẻ em. 2. Phòng ngừa bạo lực học đường; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em trong các cơ sở giáo dục. 3. Cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. 4. Tiếp nhận khám, chữa bệnh, phòng ngừa và hỗ trợ, can thiệp của ngành y tế đối với trẻ em bị tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại tình dục. 5. Tăng cường công tác điều tra thân thiện đối với trẻ em, xử lý các đối tượng có hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại trẻ em. 6. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giữa các cơ quan, tổ chức liên quan. 7. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về trẻ em. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng giao các sở, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ xây dựng lồng ghép và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch, giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành nghị quyết để thực hiện; đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật và bảo vệ trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng; Bố trí ngân sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, nhất là việc triển khai các hoạt động, chương trình, kế hoạch, đề án về trẻ em đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số cán bộ, công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách, có nhóm thường trực bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả và có chính sách hỗ trợ hoạt động; Thường xuyên kiểm tra, rà soát việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, thân thiện với trẻ em, đặc biệt đối với các phương tiện giao thông đưa đón học sinh, khu dân cư, nhà cao tầng, khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em, cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa, thể thao thuộc địa bàn quản lý.