Chủ nhật, 17/11/2024, 11:12

Một số chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 4/2023

Thứ sáu - 31/03/2023 04:50 1.309 0
Từ tháng 4/2023, nhiều chính sách như hướng dẫn việc làm trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập, kiểm định chất lượng đầu vào công chức, đấu thầu thuốc,... sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Thêm 1 bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH

Đây là nội dung tại Thông tư 02/2023/TT-BYT ngày 9/2/2023 sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Theo đó, bổ sung "bệnh COVID-19 nghề nghiệp" vào danh mục bệnh nghề nghiệp được BHXH.

Đồng thời, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán giám định bệnh COVID-19 nghề nghiệp quy định tại Phụ lục 35. Theo hướng dẫn chẩn đoán giám định, các yếu tố gây bệnh COVID-19 nghề nghiệp bao gồm:

- Có tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 trong môi trường lao động.

- Yếu tố gây bệnh được ghi nhận tại một trong các văn bản sau:

+ Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với virus SARS-CoV-2 được quy định tại Phụ lục 36.

+ Văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận, đóng dấu và các văn bản khác phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

+ Đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp quy định tại mục VI Mẫu 04 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP.

+ Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BYT.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/4/2023.

Tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức 2 lần/năm

Nghị định 06/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2023 đã quy định chi tiết về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Cụ thể, việc tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức được quy định như sau:

- Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

- Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 2 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.

- Trước ngày 31/1 hằng năm, Bộ Nội vụ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

- Trường hợp các cơ quan tuyển dụng công chức có nhu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì xây dựng kế hoạch, thông báo theo quy định tại Điều 7 Nghị định 06/2023/NĐ-CP và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự kiểm định tại Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý; lập danh sách thí sinh gửi Bộ Nội vụ để tổ chức kiểm định.

Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được danh sách, Bộ Nội vụ tiến hành tổ chức kiểm định.

Xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 03/2023/TT-BYT ngày 17/2/2023 hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Theo đó, nguyên tắc và căn cứ xác định vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập được quy định như sau:

- Vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được xác định theo các nguyên tắc quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Nghị định 106/2020/NĐ-CP.

- Số lượng người làm việc tối thiểu trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác định theo giường bệnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh theo công suất sử dụng giường bệnh trung bình của 3 năm gần nhất.

Trong cơ sở thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và cơ sở giám định được xác định theo quy mô dân số, điều chỉnh theo tính chất, đặc điểm chuyên môn, khối lượng công việc của mỗi cơ sở và đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội của mỗi địa phương.

Trong cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định được xác định và điều chỉnh theo số lượng mẫu kiểm nghiệm trung bình năm.

Trong Trung tâm cấp cứu 115 được xác định theo định mức xe cứu thương của trung tâm.

- Định mức số lượng người làm việc quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT là số lượng người làm việc tối thiểu của đơn vị sự nghiệp y tế công lập cần bố trí. Điều này nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế và quyền lợi của viên chức, người lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật.

Tùy theo khối lượng công việc và khả năng tài chính, các đơn vị sự nghiệp y tế có thể bố trí số lượng người làm việc cao hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo đảm hiệu quả.

- Định mức số lượng người làm việc quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT là căn cứ để các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch số lượng người làm việc hằng năm.

Thông tư 03/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 5/4/2023.

Bộ Y tế ban hành quy định mới về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập

Thông tư 06/2023/TT-BYT của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập có hiệu lực từ ngày 27/4/2023.

Thông tư 06/2023/TT-BYT sửa đổi khoản 2 Điều 8 về gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị.

Theo đó, gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị có thể có một hoặc nhiều thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu. Mỗi thuốc là một phần của gói thầu.

Các thuốc tại gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị đáp ứng đồng thời 2 tiêu chí sau:

a) Thuộc danh mục thuốc biệt dược gốc, thuốc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc và sinh phẩm tham chiếu do Bộ Y tế công bố, Trừ thuốc biệt dược gốc thuộc Danh mục thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và đã được công bố kết quả đàm phán giá.

b) Được sản xuất toàn bộ tại các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA; hoặc được sản xuất một, một số công đoạn tại Việt Nam và các công đoạn còn lại được sản xuất tại các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA; hoặc được sản xuất toàn bộ công đoạn tại Việt Nam; hoặc được cơ quan quản lý dược các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA cấp phép lưu hành.

 

Bên cạnh đó, Thông tư cũng sửa đổi điểm c khoản 4 Điều 14 về nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Cụ thể, khi lập kế hoạch chọn nhà thầu, đơn vị tham khảo một trong các thông tin tài liệu sau đây để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền:

- Giá thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền trúng thầu theo nhóm tiêu chí kỹ thuật của các cơ sở y tế hoặc trúng thầu tập trung cấp địa phương trong vòng 12 tháng trước hoặc trúng thầu tập trung cấp Quốc gia, đàm phán giá còn hiệu lực của thỏa thuận khung được công bố trên trang Thông tin điện tử của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền).

Trường hợp chưa được công bố trên trang Thông tin điện tử của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) thì căn cứ quyết định trúng thầu hoặc thông báo trúng thầu hoặc thông tin công khai theo quy định tại khoản 6 Điều 20 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (sau đây gọi tắt là Nghị định số 63/2014/NĐ-CP).

- Báo giá hoặc hóa đơn bán hàng, cụ thể như sau:

+ Đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, vaccine, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền: tham khảo 3 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Trường hợp thuốc không đủ 3 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau, Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào ít nhất 1 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của nhà cung cấp tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Thủ trưởng đơn vị giải trình, chịu trách nhiệm về giá kế hoạch đề xuất và bảo đảm không vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đã tham khảo.

+ Đối với dược liệu và vị thuốc cổ truyền: tham khảo 3 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Trường hợp dược liệu và vị thuốc cổ truyền không đủ 3 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau, Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào ít nhất 1 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của nhà cung cấp tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Thủ trưởng đơn vị giải trình và chịu trách nhiệm về giá kế hoạch đề xuất là phù hợp với giá dược liệu, vị thuốc cổ truyền trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Thông tư 11/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/9/2022 quy định về bảo lãnh ngân hàng, trong đó quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Cụ thể, Thông tư quy định, ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng; không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Ngân hàng Nhà nước công bố công khai danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng thương mại xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định (trừ trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng); dự án của chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định của pháp luật có liên quan.

Số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua theo quy định tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản và các khoản tiền khác (nếu có) theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2023.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down