PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ
Khác với việc giải quyết vụ án hình sự hay vụ án hành chính, Bộ Luật tố tụng dân sự 2005 quy định, thủ tục hoà giải là thủ tục bắt buộc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ việc dân sự (Điều 10). Toà án nói chung, Thẩm phán nói riêng có trách nhiệm tiến hành hoà giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự có thể thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự.
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải theo quy định của Điều 181 và Điều 182- Bộ luật Tố tụng dân sự 2005. Thẩm phán ở Tòa án các cấp đã chấp hành tốt nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình; nội dung thỏa thuận của các đương sự không được trái pháp luật và trái đạo đức xã hội. Xuất phát từ nguyên tắc này, Thẩm phán ở Tòa án các cấp đã kiên trì hòa giải, giáo dục, thuyết phục để các bên đương sự có thể hòa giải và thỏa thuận với nhau về những vấn đề đang tranh chấp.
Thông qua việc thực hiện hòa giải theo luật định khi giải quyết các vụ việc dân sự, Thẩm phán giải thích để các đương sự hiểu đúng pháp luật về vấn đề họ đang tranh chấp. Việc hòa giải thành có ý nghĩa rất quan trọng vì giúp cho vụ án sớm được giải quyết; đảm bảo được sự đoàn kết, ổn định trong nội bộ nhân dân; tiết kiệm và hạn chế tối đa chi phí về thời gian và tiền bạc cho các bên tranh chấp… Giải quyết các vụ việc dân sự đòi hỏi các cơ quan xét xử phải thực sự công tâm, là cơ quan bảo vệ công lý, giữ đúng trọng trách của người trọng tài cho người dân trông cậy, tuyệt đối không được gây sức ép cho một bên và cũng không được thiên vị hay quá lo lắng cho bên kia. Giải quyết vụ việc dân sự là quá trình tự giải quyết các mâu thuẫn của các bên bằng biện pháp thương lượng, hoà giải nhằm tìm ra một thoả thuận mà hai bên có thể chấp nhận được; nhưng các thoả thuận này không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.
- Trước khi hòa giải Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ hồ sơ để nắm vững nội dung vụ án, xác định chính xác quan hệ pháp luật cũng như nguyên nhân dẫn tới sự việc tranh chấp, yêu cầu cụ thể của các bên đương sự, đối chiếu với các quy định của pháp luật xem các yêu cầu đó có điểm nào phù hợp. Đồng thời xác định đầy đủ đương sự tham gia vụ kiện; hiểu rõ quy định của pháp luật về các nội dung đang tranh chấp; cũng như tâm tư, nguyện vọng và thiện chí hòa giải của các bên tham gia hòa giải để dự đoán phương pháp và mức độ hòa giải…
- Thẩm phán phải xây dựng kế hoạch hòa giải cho phù hợp trong đó dự đoán và lập kế hoạch hoà giải cho các bên tranh chấp, xác định những vấn đề gì cần giúp đương sự thỏa thuận, thành phần đương sự cần có mặt khi hòa giải, thời gian, địa điểm thích hợp để tổ chức việc hòa giải có kết quả.
- Thẩm phán phải có kỹ năng hòa giải, đó là khả năng nhận thức những đặc điểm tâm lý bên ngoài và bên trong của các bên tham gia hòa giải; cũng như việc đánh giá những tranh chấp, những yêu cầu của họ để có thể điều khiển, điều chỉnh, giúp đỡ các bên đang tranh chấp thỏa thuận, thương lượng để giải quyết vụ án theo đúng đường lối, chính sách, pháp luật.
- Thẩm phán cần giải thích cho các bên đương sự để họ tự nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật; cũng như giới thiệu các văn bản pháp luật sẽ được áp dụng giải quyết mối quan hệ đang có tranh chấp để các đương sự có cơ sở đề xuất hướng giải quyết tranh chấp.
- Khi tiến hành hòa giải, Thẩm phán căn cứ vào nội dung vụ án để phân tích rõ đúng - sai, phải - trái, thiệt - hơn trong những vấn đề các đương sự đang tranh chấp. Từ đó giúp họ giải tỏa những vướng mắc trong tư tưởng, tình cảm; cùng nhau bàn bạc, tìm cách giải quyết tranh chấp. Để thuyết phục được đối tượng, trong quá trình phân tích Thẩm phán phải thể hiện được sự khách quan, vô tư, thấu lý đạt tình. Cần tránh những lời lẽ mang tính miệt thị, chỉ trích nặng nề hoặc những hành vi coi thường đương sự có thể gây phản ứng ngược lại từ phía các đương sự.
- Thẩm phán biết đặt mình vào hoàn cảnh của đương sự để thuyết phục đương sự. Thẩm phán giải quyết vụ việc dân sự có thể tiến hành hoà giải giữa các bên đương sự trên cơ sở tôn trọng sự tự chủ, tự nguyện của các bên đương sự. Hai bên đương sự trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện tiến hành thương lượng, trình bày ý kiến của mình về vụ việc; Thẩm phán chỉ có vai trò triệu tập và chủ trì buổi hoà giải đó.
- Thẩm phán có thể khuyến khích đương sự hoà giải, nhưng trong quá trình hoà giải không có bất cứ hành vi nào làm ảnh hưởng tới việc đương sự tự do biểu đạt ý muốn của mình. Thẩm phán chủ trì buổi hoà giải đó cố gắng hướng các bên đương sự thoả thuận, nhường nhịn lẫn nhau để đạt được mục đích giải quyết được tranh chấp mà không tạo thêm mâu thuẫn; không để cho các bên đương sự đạt được thoả thuận bằng các phương thức như mặc cả, lừa gạt, hay uy hiếp lẫn nhau. Như vậy trái với nguyên tắc các đương sự tự nguyện mà còn làm mất đi vai trò công bằng của Thẩm phán.
- Thẩm phán phải giữ vai trò điều khiển, điều chỉnh các bên đương sự trong quá trình hoà giải; tạo được bầu không khí tâm lý thuận lợi, cởi mở, hiểu biết và hợp tác với các đương sự và giữa các đương sự với nhau; Thẩm phán phải tích cực phân tích cho các bên thấy nội dung của sự việc, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp.. bằng thái độ khách quan, vô tư, không áp đặt. Nếu các bên có sự căng thẳng với nhau, Thẩm phán cần nhắc nhở họ một cách nhẹ nhàng, tế nhị, tránh dùng lời lẽ nặng nề, hay thể hiện uy quyền của tòa án.
- Để đạt được hiệu quả của công tác hòa giải ở một số vụ án Thẩm phán có thể phối hợp với một số tổ hòa giải, các đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương , cơ quan nơi đương sự công tác, kể cả người thân, bạn bè của đương sự… làm công tác tư tưởng cho họ để giảm bớt căng thẳng giữa các bên đương sự.
- Qua hòa giải nếu các đương sự tự nguyện thỏa thuận được mọi vấn đề tranh chấp cần giải quyết trong vụ án thì Thẩm phán lập biên bản hòa giải thành nêu rõ nội dung sự việc tranh chấp và những vấn đề mà các bên đương sự đã thỏa thuận.
- Trong quá trình đạt được thoả thuận, Thẩm phán không nêu các ý kiến cá nhân để việc hoà giải không chịu ảnh hưởng theo ý chí của Thẩm phán. Trường hợp các đương sự không thỏa thuận được, hoặc chỉ thỏa thuận được một phần những vấn đề có tranh chấp thì Thẩm phán lập biên bản hòa giải không thành và quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nội dung biên bản phải thể hiện rõ được nguyện vọng, yêu cầu cụ thể của từng đương sự tham gia hòa giải. Từ đó để Thẩm phán có kế hoạch hòa giải tiếp tục hoặc đưa vụ án ra xét xử.
Kiên trì hòa giải, giáo dục, thuyết phục là một phương châm công tác của ngành Tòa án nhưng không phải Thẩm phán nào cũng ý thức được vấn đề này trong khi tiến hành hoạt động nghề nghiệp; khi xét xử, có những Thẩm phán chỉ chú ý đến chất lượng xét xử, còn giáo dục pháp luật cho đương sự và những người tham dự phiên tòa là không cần thiết.
Thực tiễn công tác xét xử cho thấy, các tòa án đã chú trọng tới công tác hòa giải và đã hòa giải thành được 39% số vụ án đã giải quyết. Nhiều tòa án hòa giải thành đạt tỉ lệ tới 50%, giúp cho việc giải quyết vụ án nhanh chóng, dứt điểm, góp phần giải quyết tốt mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giữ gìn, tăng cường sự đoàn kết trong mỗi gia đình và cộng đồng dân cư