Thứ ba, 03/12/2024, 12:25

XÂY DỰNG BĂNG TIẾNG, BĂNG HÌNH TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT

Chủ nhật - 22/03/2020 09:01 872 0
1. Một số vấn đề chung về xây dựng băng tiếng, băng hình tuyên truyền pháp luật:

Băng tiếng, băng hình tuyên truyền pháp luật là một trong những tài liệu tuyên truyền pháp luật hiệu quả, truyền tải kiến thức pháp luật đến mọi người thông qua tiếng nói, hình ảnh.

Việc tuyên truyền pháp luật thông qua băng tiếng, băng hình có những ưu điểm và nhược điểm sau đây
- Ưu điểm:
·        Hình thức truyền tải phong phú, hấp dẫn, sinh động; tác động đến đối tượng được tuyên truyền một cách trực tiếp thông qua âm thanh, hình ảnh nên dễ thu hút được sự quan tâm của đối tượng được tuyên truyền;
·        Cùng một lúc có thể tác động đến nhiều đối tượng;
·        Đối tượng được tuyên truyền có thể chủ động về thời gian xem, nghe, chủ động trong việc lựa chọn nội dung thích hợp đối với bản thân.
- Nhược điểm:
·        Tốn nhiều thời gian, công sức, nhất là đối với việc xây dựng băng hình;
·        Yêu cầu cần phải có các phương tiện thiết bị kỹ thuật để thực hiện việc thu, phát băng.
Khi xây dựng băng tiếng, băng hình tuyên truyền pháp luật phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau đây:
- Về nội dung: Nội dung băng tiếng, băng hình tuyên truyền pháp luật cần phải phù hợp với đối tượng được tuyên truyền, dễ hiểu, gắn với những vấn đề thường gặp trong đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày của đối tượng được tuyên truyền.
- Về hình thức: Băng tiếng, băng hình tuyên truyền pháp luật cần được thể hiện dưới nhiều thể loại khác nhau, phong phú, sinh động để hấp dẫn, thu hút người xem, người nghe. Băng tiếng, băng hình tuyên truyền pháp luật được thể hiện dưới các thể loại như:
·        Giải đáp pháp luật;
·        Thông tin văn bản pháp luật;
·        Phỏng vấn;
·        Tường thuật (phiên tòa, Hội thi…);
·        Phóng sự;
·        Kể chuyện;
·        Tiểu phẩm
·        Các tiết mục văn nghệ: ngâm thơ, hát…
Ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu; âm thanh, hình ảnh rõ nét, sống động.
Những băng tiếng, băng hình dùng để tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số cần được xây dựng bằng tiếng dân tộc để bảo đảm hiệu quả tuyên truyền.
2. Tổ chức xây dựng băng tiếng, băng hình tuyên truyền pháp luật:
Việc tổ chức xây dựng băng tiếng, băng hình được tiến hành như sau:
2.1 Giai đoạn chuẩn bị:
Bước 1: Xây dựng kế hoạch
Kế hoạch xây dựng băng tiếng, băng hình tuyên truyền pháp luật cần có các nội dung:
-  Mục đích, yêu cầu xây dựng băng tiếng, băng hình;
-  Đối t­ượng được tuyên truyền: xác định rõ đối tượng được tuyên truyền là ai;
-  Nội dung chủ yếu của băng tiếng, băng hình (dự thảo đề cương băng tiếng, băng hình);
- Một số yêu cầu kỹ thuật: Độ dài của băng, loại băng…
- Số lượng, phạm vi, phương thức phát hành;
-  Thời gian thực hiện: dự kiến tiến độ thời gian cho từng công đoạn thực hiện từ xây dựng nội dung, biên tập, duyệt nội dung, dàn dựng, thu băng;
- Tổ chức thực hiện: Phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xây dựng, phát hành băng;
-  Kinh phí: Dự kiến kinh phí để thực hiện việc xây dựng băng và xác định nguồn kinh phí.
Bước 2. Thành lập Ban biên tập và dự kiến người tham gia xây dựng nội dung:
-  Ban biên tập là những người tổ chức quá trình xây dựng nội dung và trực tiếp biên tập (Thông thường Ban biên tập là lãnh đạo đơn vị trực tiếp phụ trách mảng công việc đó);
-  Trư­ởng Ban biên tập - là ngư­ời chịu trách nhiệm chính về nội dung băng, có trách nhiệm biên tập và duyệt lần cuối cùng tr­ước khi thu băng;
-   Dự kiến người biên soạn nội dung băng;
- Dự kiến người viết (chuyển thể) kịch bản băng;
- Dự kiến người dàn dựng nội dung kịch bản của băng;
- Dự kiến người thu, in băng.
Lưu ý: Trên cơ sở nội dung băng đã được Trưởng ban biên tập duyệt, có thể thuê một đơn vị sản xuất băng tiếng, băng hình thực hiện hợp đồng dịch vụ trọn gói từ viết kịch bản, dàn dựng và thu băng.
Bước 3: Tổ chức họp Ban biên tập và các chuyên gia tham gia xây dựng nội dung băng để thống nhất các vấn đề:
-  Kế hoạch xây dựng băng, mục đích, đối t­ượng sử dụng băng; nội dung băng;
-  Thống nhất cách thức xây dựng nội dung băng;
-  Dự kiến ng­ười tham gia xây dựng nội dung băng, phân công cụ thể phần trách nhiệm của từng người;
-  Cung cấp các văn bản, tài liệu tham khảo có liên quan đến nội dung băng.
2.2. Giai đoạn 2: Xây dựng băng
Bước 1: Xây dựng nội dung chi tiết
Trên cơ sở nội dung cơ bản của băng đã được duyệt trong kế hoạch, các chuyên gia tiến hành xây dựng chi tiết nội dung của băng bảo đảm các yêu cầu sau:
·        Phù hợp với mục đích, đối tượng, đề tài cần tuyên truyền;
·        Bố cục rõ ràng, hợp lý;
·        Chính xác về nội dung pháp luật;
·        Được thể hiện ngắn gọn, sinh động, phong phú.
Bước 2: Biên tập, duyệt nội dung băng
·        Nếu bản thảo chưa đạt yêu cầu, Ban biên tập sẽ đề nghị người viết sửa lại theo đúng mục đích, yêu cầu đặt ra trong kế hoạch;
·        Nếu bản thảo đạt yêu cầu thì tiếp tục chuyển thể kịch bản cho băng.
Bước 3: Viết kịch bản
Trên cơ sở nội dung chi tiết của băng đã được duyệt, thuê người viết (chuyển thể) kịch bản. Kịch bản phải bảo đảm các yêu cầu sau:
·        Không sai lệch nội dung chi tiết của băng đã được duyệt;
·        Ngôn ngữ phù hợp với đối tượng và địa bàn tuyên truyền.
Bước 4: Biên tập, thẩm định,  duyệt kịch bản
Biên tập lần 1:
·        Nếu kịch bản đã đạt yêu cầu thì chuyển đến các chuyên gia để thẩm định;
·        Nếu kịch bản chưa đạt yêu cầu thì Ban biên tập đề nghị người viết kịch bản bổ sung, chỉnh sửa lại.
Thẩm định:
Người thẩm định là các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, văn hóa – xã hội; các chuyên gia thẩm định đọc, góp ý, sửa chữa, bảo đảm tính chính xác về nội dung pháp luật và tính phù hợp về văn hóa, phong tục, tập quán trong ngôn ngữ thể hiện và trang phục biểu diễn.
Biên tập lần 2, duyệt:
Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia thẩm định, Ban biên tập đọc lại bản thảo  trực tiếp sửa chữa, chỉnh lý, hoàn chỉnh kịch bản. Trưởng ban biên tập đọc, duyệt lần cuối.
Bước 5: Dàn dựng kịch bản
Từ kịch bản của băng đã được duyệt, tổ chức dàn dựng kịch bản theo các phương thức sau:
·        Tự tổ chức dàn dựng kịch bản;
·        Hợp đồng với một đơn vị phát thanh, truyền hình, biểu diễn nghệ thuật để dàn dựng kịch bản băng.
2.3. Giai đoạn 3: Xuất bản và phát hành băng
Bước 1: Xin giấy phép xuất bản
Băng tiếng, băng hình tuyên truyền pháp luật thường thuộc tài liệu không kinh doanh. Trong trường hợp này, việc xuất bản băng tiếng, băng hình được thực hiện theo quy định tại Điều 22, Khoản 2 Điều 23 Luật xuất bản năm 2004 và Điều 11 Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xuất bản, cụ thể như sau:
·        Cục xuất bản chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin cấp giấy phép cho cơ quan, tổ chức ở trung ương, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam;
·        Sở Văn hóa – Thông tin chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép cho cơ quan, tổ chức của địa phương, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức của trung ương tại địa phương.
Bước 2: Thu, in băng
Sau khi được cấp giấy phép xuất bản, đơn vị tổ chức xây dựng băng có thể ký hợp đồng với một cơ sở sản xuất băng để thực hiện việc thu, in băng (đối với việc sản xuất băng hình có thể ghi hình trên sân khấu hoặc ghi hình ngoại cảnh).
Băng bảo đảm các yêu cầu:
·        Hình ảnh rõ nét, không bị vấp và loang màu;
·        Âm thanh trung thực, không bị lẫn tiếng ồn, tiếng rít.
Bước 3: Nộp lưu chiểu
Trước khi phát hành, băng tiếng, băng hình phải được nộp lưu chiểu theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật xuất bản và Điều 12 Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xuất bản, cụ thể:
·        Ít nhất mười ngày trước khi phát hành, phải nộp ba bản cho Bộ Văn hóa - Thông tin; trường hợp số lượng in dưới ba trăm bản thì nộp hai bản;
·        Cơ quan, tổ chức có tài liệu do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xuất bản, ngoài số bản phải nộp theo quy định trên còn phải nộp hai bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bước 4: Phát hành
Có hai phương thức phát hành:
·        Phát trực tiếp đến đối tượng tuyên truyền;
·        Phát hành thông qua cơ quan, tổ chức liên quan để tổ chức tuyên truyền cho các đối tượng.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down