Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, lượng mưa phổ biến khu vực Tây Bắc các tháng mùa khô từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-25%, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn ở mức độ cao. Để chủ động thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng và PCCCR, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện hiện tốt các nội dung sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố- Chủ động phổ biến, triển khai có hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5256/VPCP-NN ngày 30 tháng 6 năm 2020 về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng; Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng cháy và chữa cháy rừng; thực hiện và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo Điều 102 của Luật Lâm nghiệp, Quyết định 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; gắn trách nhiệm của các chủ rừng và nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng với việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát UBND các xã, chủ rừng thực hiện nghiêm túc quy định về PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng chuyên môn, các đơn vị liên quan, tập trung mọi nguồn lực, chủ động và quyết liệt trong tổ chức thực hiện công tác bảo vệ rừng và PCCCR. - Thành lập và tăng cường hoạt động của Ban chỉ huy PCCCR tại địa phương, các tổ đội xung kích cơ sở; rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện chủ động sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo đúng phương châm “4 tại chỗ”. Trong thời gian nắng nóng, nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên, chỉ đạo các thành viên Ban chỉ huy các cấp phải phân công cán bộ thường trực 24/24 giờ tại trụ sở cơ quan kể cả các ngày nghỉ, ngày lễ, tết để tiếp nhận thông tin báo cháy; tăng cường lực lượng tuần tra để phát hiện đám cháy rừng và thảm cỏ để triển khai kịp thời các biện pháp chữa cháy rừng hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; nghiêm cấm các hoạt động có sử dụng lửa trong rừng, ven rừng. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật về lấn chiếm đất rừng, chặt phá, khai thác rừng, mua, bán lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không đúng quy định pháp luật; kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng” về phá rừng, khai thác rừng, mua, bán lâm sản trái pháp luật. - Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại trang điện tử kiemlam.org.vn; kịp thời thông báo cấp dự báo cháy rừng trên Đài Phát thanh và Truyền hình huyện, hệ thống loa phát thanh của xã, thôn (bản), tuyên truyền lưu động và các hình thức khác nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ rừng, nhân dân; khi xảy ra cháy rừng phải triển khai ngay lực lượng chữa cháy và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về Ban Chỉ huy PCCCR của tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ: - Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ rừng trong từng cộng đồng dân cư.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các Ban quản lý rừng phòng hộ, các chủ rừng, chủ thể nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện nghiêm túc, triệt để các biện pháp về PCCCR. - Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường tối đa lực lượng, bám sát địa bàn trực PCCCR và tham mưu tích cực, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCCR. Thực hiện hiệu quả công tác theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ Website: kiemlam.org.vn để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng, kịp thời đảm bảo cập nhật thông tin chính xác, kịp thời phục vụ chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; duy trì nghiêm chế độ trực ban 24/24 vào mùa cao điểm và sẵn sàng tham gia chữa cháy cùng các địa phương khi có cháy rừng xảy ra.
- Theo dõi, tổng hợp định kỳ hàng tháng (hoặc đột xuất khi có yêu cầu) báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
3. Công an tỉnh :Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an cấp huyện, xã tăng cường phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương để kiểm tra, đôn đốc địa phương, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ rừng và PCCCR; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, chỉ huy chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra; chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tuợng gây cháy rừng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự cấp huyện đặc biệt lực lượng dân quân tự vệ địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền cơ sở, các chủ rừng tổ chức lực lượng tuần tra canh gác lửa rừng vào thời điểm có nguy cơ cháy cao; tổ chức huấn luyện, thực hành diễn tập tình huống giả định cháy rừng; chuẩn bị phương án đảm bảo lực lượng, phương tiện, hậu cần, dụng cụ chữa cháy sẵn sàng hỗ trợ địa phương, cơ sở khi có cháy rừng xảy ra.
5. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chỉ đạo các Đồn Biên phòng, các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền cơ sở và chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, đấu tranh ngăn chặn các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn, bán lâm sản trái phép gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; tăng cường trinh sát ngoại tuyến để phát hiện sớm đám cháy tại các khu vực biên giới thuộc địa phận Trung Quốc có nguy cơ cháy lan sang các huyện biên giới thuộc tỉnh Lai Châu để chủ động tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, dụng cụ hỗ trợ và tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn.
6. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư :Căn cứ chức năng nhiệm vụ của Sở, chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và PCCCR theo quy định.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu: Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR; nêu gương các cá nhân, tổ chức làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, phản ánh những hạn chế để khắc phục ở địa phương, đơn vị; tăng cường thời lượng, chuyên mục, đăng tin bài cảnh báo và dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
8. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Đề nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh chỉ đạo các cấp hội, các tổ chức thành viên phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn; phát động thi đua, ký cam kết làm tốt công tác bảo vệ rừng và PCCCR, thành lập các tổ đội tham gia chữa cháy rừng tại địa phương, sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.