Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BVHTTDL ngày 06 tháng 11 năm 2024 quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ; hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng; tuyên truyền lưu động; cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Thông tư số 10/2024/TT-BVHTTDL quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các dịch vụ có sử dụng ngân sách nhà nước sau đây: Tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ: chương trình nghệ thuật quần chúng nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị; Tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng; Tuyên truyền lưu động: tổ chức hội thi, liên hoan văn nghệ của đội tuyên truyền lưu động; Tổ chức cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị: thi sáng tác tranh cổ động; triển lãm tranh cổ động; xây dựng cụm cổ động trực quan.
Quy định chung về định mức kinh tế - kỹ thuật
- Định mức kinh tế - kỹ thuật tại Thông tư này là mức tối đa để hoàn thành việc thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
- Định mức kinh tế - kỹ thuật là mức hao phí các yếu tố về lao động, vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng để hoàn thành một đơn vị sản phẩm hoặc một khối lượng công việc nhất định, trong một điều kiện cụ thể của dịch vụ sự nghiệp công.
- Xác định chức danh lao động
+ Các chức danh lao động trong thành phần hao phí nhân công của bảng định mức áp dụng theo Thông tư số 03/2022/TT-BVHTTDL ngày 07 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở; Thông tư số 02/2023/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 2 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa và Thông tư số 10/2023/TT-BVHTTDL ngày 09 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
+ Trường hợp các chức danh lao động trong thành phần hao phí nhân công không có trong Thông tư số 03/2022/TT-BVHTTDL, Thông tư số 02/2023/TT- BVHTTDL và Thông tư số 10/2023/TT-BVHTTDL thì áp dụng theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập hoặc xem xét quy đổi tương đương theo vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm:
- Hao phí nhân công: là thời gian lao động trực tiếp và lao động gián tiếp cần thiết của các hạng lao động bình quân để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ. Mức hao phí của lao động trực tiếp là thời gian thực hiện các công đoạn của dịch vụ sự nghiệp công, được tính bằng công. Mỗi công tương ứng với thời gian làm việc 01 ngày làm việc (08 giờ) của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Mức hao phí của lao động gián tiếp tính bằng tỷ lệ 15% tổng hao phí lao động trực tiếp tương ứng trong cùng một bảng định mức;
- Hao phí về máy móc, thiết bị sử dụng: là thời gian sử dụng cần thiết từng loại máy móc, thiết bị để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Mức hao phí máy móc, thiết bị trong định mức được tính bằng ca sử dụng máy, mỗi ca tương ứng trên tổng thời gian khấu hao máy với 01 ngày làm việc (08 giờ) theo quy định của pháp luật về lao động;
- Hao phí vật liệu sử dụng: là số lượng các loại vật liệu cụ thể và cần thiết sử dụng trực tiếp để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Mức hao phí trong định mức được tính bằng số lượng từng loại vật liệu cụ thể. Mức hao phí vật liệu phụ được tính bằng 10% tổng giá trị hao phí vật liệu trong cùng bảng định mức.
Kết cấu của định mức kinh tế - kỹ thuật, bao gồm:
-Tên định mức;
- Mô tả nội dung công việc: là nội dung các công đoạn chính để thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công;
- Bảng định mức, bao gồm:
+ Hao phí nhân công: chức danh và hạng lao động, đơn vị tính mức hao phí và trị số định mức hao phí lao động;
+ Hao phí máy móc, thiết bị sử dụng: tên loại máy móc, thiết bị, đơn vị tính mức hao phí và trị số định mức hao phí sử dụng máy móc, thiết bị sử dụng;
+ Hao phí vật liệu sử dụng: tên và quy cách vật liệu, đơn vị tính mức hao phí và trị số định mức hao phí vật liệu sử dụng;
+ Trị số định mức: là giá trị tính bằng số của thời gian thực hiện thực tế trên hao phí nhân công, máy móc, thiết bị sử dụng, vật liệu sử dụng trong quá trình cung cấp dịch vụ sự nghiệp công;
+ Ghi chú: là nội dung hướng dẫn cách tính định mức trong điều kiện kỹ thuật khác nhau (nếu có) hoặc để hoàn thành một khối lượng công việc khác với đơn vị tính tại Bảng định mức.
- Các định mức kinh tế - kỹ thuật được quy định kèm theo Thông tư này, bao gồm:
+ Phụ lục I: Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ;
+ Phụ lục II: Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng;
+ Phụ lục III: Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tuyên truyền lưu động;
+ Phục lục IV: Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tổ chức cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Căn cứ định mức kinh tế - kỹ thuật quy định tại Thông tư này, các bộ, ngành, cơ quan trung ương xem xét, quyết định áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật cụ thể phù hợp với điều kiện của đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2024. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì được thực hiện theo văn bản mới ban hành.