Trải qua quá trình 19 năm hoạt động, có thể khẳng định rằng, cùng với sự phát triển của ngành Tư pháp Việt Nam; ngành Tư pháp Lai Châu luôn có sự phát triển, tự hoàn thiện, tự vươn lên, với nhiều đổi mới tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của Tỉnh Lai Châu. Cụ thể:
Công tác thẩm định, tham gia ý kiến vào dự thảo các Nghị quyết, Quyết định quy phạm pháp luật của HĐND – UBND tỉnh chất lượng ngày càng cao, được Bộ Tư pháp, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn, các Ban HĐND, đại biểu HĐND tỉnh đánh giá cao. Ý kiến thẩm định đã phân tích, đánh giá, làm rõ căn cứ, cơ sở pháp lý, tính khả thi, nguồn lực đảm bảo thực thi chính sách, là nguồn thông tin quý giá để đại biểu HĐND tỉnh tham khảo, xem xét, quyết định.
Công tác theo dõi thi hành pháp luật được chú trọng, hàng năm đều tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và triển khai kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật trọng tâm, liên ngành phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước của địa phương. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân các cấp đẩy mạnh công tác quản lý xử phạt hành chính, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản, thủy điện, đầu tư ngoài ngân sách, giao thông đường bộ…
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp đổi mới mạnh mẽ cả nội dung và hình thức, tập trung định hướng nội dung tuyên truyền vào các văn bản pháp luật mới và các chính sách đặc thù của địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện, tập quán của đồng bào địa phương. Một số phòng Tư pháp làm tốt như: huyện Mường Tè, Phong Thổ và Thành phố.
Tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phát động được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo Nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên ở mọi dân tộc, mọi địa phương. Điển hình như: huyện Sìn Hồ, Than Uyên, Nậm Nhùn.
Công tác quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, tiếp tục được tăng cường; Công tác xử lý thông tin, lập hồ sơ lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp được kịp thời, không có tiêu cực. Công tác trợ giúp pháp lý nhà nước được đẩy mạnh, số vụ việc được trợ giúp pháp lý luôn vược định mức được giao, các đối tượng được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý được đảm bảo đầy đủ, chú trọng trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số, người có khó khăn về kinh tế. Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được triển khai thường xuyên, hiệu quả. Một số huyện làm tốt công tác tư pháp – hộ tịch như: Huyện Tam Đường, Tân Uyên.
Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên hàng năm theo kế hoạch, bảo đảm tính kịp thời, nghiêm minh; công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết nhiệm vụ Tư pháp ngày càng chặt chẽ.
Công tác tổ chức sắp xếp biên chế, cải cách hành chính, kỷ luật kỷ cương được quan tâm, đề cao đẩy mạnh. Chủ động đề xuất, rút ngắn bình quân 30% - 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính; 100% văn bản được giải quyết trên môi trường mạng (trừ văn bản mật).
Bên cạnh việc thực hiện 35 nhiệm vụ chuyên môn của Ngành, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ giải quyết các thủ tục đối với các dự án đầu tư trọng điểm, dự án đầu tư ngoài ngân sách; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Chủ tịch UBND tỉnh tại các vụ án hành chính; tham mưu UBND tỉnh chấm dứt một số dự án đầu tư vi phạm về quy hoạch, về thủ tục đầu tư, về tiến độ…
Với những thành tích nổi bật nêu trên, Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu luôn được Bộ Tư pháp chấm điểm, xếp loại trong số 30 tỉnh, thành phố hạng A dẫn đầu toàn quốc. Đồng thời, Sở cũng được UBND tỉnh chấm điểm, xếp loại là một trong số các đơn vị dẫn đầu về cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI). Một số đơn vị, cá nhân tiêu biểu của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh và các danh hiệu thi đua khác. Những kết quả đáng ghi nhận trên là sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của tập thể công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành Tư pháp.
Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Lê Thanh Hải – Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị các phòng, chuyên môn, đơn vị thuộc Sở, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục tham mưu cho UBND các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Thực hiện tốt khẩu hiệu “Ngành Tư pháp Lai Châu đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, vượt khó, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao”.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu hoàn thiện thể chế; trong đó, chú trọng công tác truyền thông dự thảo chính sách, tạo sự đồng thuận của người dân theo Đề án kèm theo Quyết định 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh vừa tổ chức tập huấn, triển khai. Chuẩn bị tốt các điều kiện để rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL cấp tỉnh, cấp huyện kỳ 2019 – 2023.
Thứ ba, chú trọng triển khai Đề án “tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” theo Quyết định 977/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. Tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành. Tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền; nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, gắn kết công tác PBGDPL với công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ tư, Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm, bồi thường nhà nước... Tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án 06.
Thứ năm, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là trong viêc thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính; đề xuất các giải pháp nhằm cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đảm bảo chính xác, thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Duy trì tốt các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp, thực hiện chuyển đổi số gắn với bảo đảm an toàn thông tin mạng trong ngành Tư pháp, góp phần vào việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Thứ sáu, Tham mưu thực hiện tốt công tác cán bộ; chú trọng sắp xếp, bố trí cán bộ theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh, phù hợp với năng lực, sở trường công tác; tham mưu quy hoạch, sử dụng cán bộ theo quy định. Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu của công tác Tư pháp trong tình hình mới.
Ý kiến bạn đọc