Chủ nhật, 17/11/2024, 07:20

Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2022

Thứ ba - 21/12/2021 03:33 470 0
Sáng nay (21/12), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 với 63 điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.
img 1
                                                    Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.
 

Dự Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có các đồng chí: Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thành Long – Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí trong thành viên Ban Chỉ đạo cải cách Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương…

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Trần Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh; lãnh đạo Sở Tư pháp và các phòng, ban chuyên môn có liên quan.
 

img2
                                                                       Quang cảnh Hội nghị tại các điểm cầu.

Năm 2021, với quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển”; gắn chặt với sự chỉ đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, toàn ngành Tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, chung tay cùng hệ thống chính trị trong giải quyết các vấn đề phát sinh do dịch bệnh Covid-19, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nổi bật như chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được nâng cao, đã thẩm định 43 đề nghị xây dựng, 232 dự thảo văn bản luật và các Nghị định, Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được triển khai ở 63 tỉnh, thành đã có trên 21,2 triệu dữ liệu khai sinh; đã thực hiện khai sinh mới cho 2.754.290 trường hợp; toàn quốc đã giải quyết 2.136 trường hợp nuôi con nuôi trong nước, 135 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Hiện cả nước có 4.250 công chức, viên chức làm việc tại các Sở Tư pháp, 2.826 công chức làm việc tại Phòng Tư pháp và 17.687 công chức tư pháp - hộ tịch… Những kết quả nêu trên đã tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Năm 2022, Bộ Tư pháp đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, 5 giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung vào việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; thực hiện tốt công tác xây dựng ngành; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và cấp ủy chính quyền các cấp… nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, cải cách tư pháp.

Tham luận tại Hội nghị các đại biểu tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; công tác thi hành dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý… tại đơn vị, địa phương.
 

img 3
                                     Đồng chí Trần Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu phát biểu tham luận tại Hội nghị.
 

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đồng chí Trần Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu kiến nghị: Hiện nay một số quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp còn chồng chéo, chưa đồng bộ, thống nhất gây khó khăn trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế dưới tán rừng. Do vậy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời ban hành Đề án "Cho thuê môi trường rừng, phát triển dược liệu"; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Lâm nghiệp; xem xét, đề nghị nâng mức hỗ trợ trồng rừng phòng hộ (từ 30 triệu/ha lên 40-45 triệu/ha; rừng sản xuất cây gỗ lớn từ 10 triệu/ha lên 20 triệu/ha); tăng mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP. 

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Hiện nay vẫn có văn bản cá biệt nhưng tác động lớn đến xã hội, ảnh hưởng đến các chính sách khác do văn bản có hiệu lực ngay, không có thời gian chuyển tiếp theo hướng giảm dần việc thụ hưởng chính sách, dẫn đến sự hụt hẫng đối với người dân thụ hưởng chính sách, đặc biệt là tác động trực tiếp đến trẻ em tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như tỉnh Lai Châu. Điển hình như Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành ngay. Trong khi, Lai Châu là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thiên tai xảy ra thường xuyên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến kéo dài, đã tác động không nhỏ đến kết quả giảm nghèo của tỉnh và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân; hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã khu vực III mới chuyển sang xã khu vực I (sau khi được công nhận nông thôn mới) điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn, do vậy đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các chính sách về an sinh xã hội như: Giáo dục, y tế, bảo hiểm…, cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được thụ hưởng các chính sách thêm từ 01 năm đến 02 năm sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới để các cấp, các ngành làm công tác tuyên truyền cho người dân hiểu và chủ động thực hiện.
 

img 4
                                                     Đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương sự nỗ lực, đóng góp của toàn ngành trong việc cụ thể hóa các chủ trương Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, đề nghị ngành Tư pháp tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò của ngành trong công tác xây dựng thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bám sát đường lối chủ trương của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi, thực thi pháp luật; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực thi pháp luật, sự ủng hộ của người dân doanh nghiệp, mở ra môi trường đổi mới sáng tạo; tăng cường đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong hệ thống bộ, ngành Tư pháp; xây dựng bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành... Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của các bộ, ngành địa phương trong triển khai nhiệm vụ ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down