Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.
Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, dự Hội nghị có đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; đại diện lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự; đại diện Lãnh đạo của Chi nhánh Ngân hàng nhà nước Việt Nam tại tỉnh Lai Châu; đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu; đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tỉnh Lai Châu; đại diện lãnh đạo các Văn phòng công chứng…
Ngày 30/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2023 và thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017.
Mục tiêu của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của khuôn khổ pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác liên quan; thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoạt động của cơ quan đăng ký và hệ thống đăng ký; khắc phục những vướng mắc, bất cập, đồng thời nắm bắt, bao quát được những vấn đề mới, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn và trong quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Nghị định gồm 5 Chương, 58 Điều với các nội dung liên quan đến đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm; hồ sơ, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm và quản lý Nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.
Nghị định số 99/2022/NĐ-CP cơ bản vẫn giữ một số nội dung của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 về đăng ký biện pháp bảo đảm, đồng thời bổ sung một số nội dung mới để phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Một số nội dung mới như: Bổ sung trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; bổ sung quy định hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Nghị định lần này đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường là chịu trách nhiệm giúp UBND tỉnh “quản lý Nhà nước đối với cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương; tổ chức triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để tạo cơ sở cho việc thực hiện đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương…
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định và đề xuất, kiến nghị những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm. Đồng thời đã nghe một số tham luận về: Triển khai một số quy định về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP; tác động của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP đối với hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm tại các tổ chức tín dụng..
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc kết luận Hội nghị.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận và đánh giá các tham luận, ý kiến tâm huyết của đại biểu. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm; đăng tải công khai các thủ tục hành chính đã được công bố vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; xây dựng tài liệu tập huấn Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký tài khoản đăng ký trực tuyến, đăng ký mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm bằng động sản không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung, kỹ năng sử dụng hệ thống đăng ký trực tuyến.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quán triệt việc thực hiện quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP tại địa phương; công bố, niêm yết thủ tục hành chính trong đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương; chủ động tổ chức tập huấn nghiệp vụ về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, công tác quản lý hà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm tại địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đối với biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; cơ sở dữ liệu đối với biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng khu vực biển, tài sản gắn liền với khu vực biển…
Ý kiến bạn đọc