Thuộc khu vực miền núi, biên giới, Lai Châu là nơi sinh sống của 20 dân tộc anh em, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84%. Do điều kiện địa hình, kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí của bà con dân tộc thiểu số còn thấp, đặc biệt là nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu, do thiếu hiểu biết, đã có không ít trường hợp người dân xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, thậm chí là vi phạm pháp luật...
Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Trong đó, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Lai Châu đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý cho người dân, đặc biệt là tại khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các hoạt động truyền thông, giải đáp pháp luật cho bà con nhân dân tại các khu vực đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ… đã được đẩy mạnh.
Tại các buổi tuyên truyền, đội ngũ báo cáo viên đã thực hiện lồng ghép một số câu chuyện pháp lý, các vụ việc tham gia tố tụng xảy ra trên địa bàn để tuyên truyền đến người dân, đồng thời tư vấn, giải đáp các thắc mắc, yêu cầu của bà con.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Tư pháp Lai Châu đã thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý cho 1.778 lượt người tại 17 xã thuộc các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, qua đây đã giúp người được trợ giúp pháp lý biết về quyền được trợ giúp pháp lý của mình, giúp nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.
Cùng với đó, Sở đã đã tiếp nhận trợ giúp pháp lý 229 vụ việc cho 229 đối tượng (tăng 34 vụ việc so với cùng kỳ năm trước), trong đó: đã kết thúc 128 vụ việc (tham gia tố tụng 117 vụ việc, tư vấn pháp luật 11 vụ việc), đang thực hiện 101 vụ việc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn. Hiện nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng tăng với tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, đặc biệt là các vụ việc dân sự, trong khi đó, số lượng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý tại địa phương còn chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế.
Nhằm khắc phục những khó khăn, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác trợ giúp pháp lý, UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu ngành Tư pháp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025; thực hiện tốt Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn về công tác trợ giúp pháp lý .
Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng, đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, chú trọng thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng, đặc biệt trong lĩnh vực hình sự... Căn cứ tình hình, diễn biến dịch Covid- 19 thực hiện truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý theo kế hoạch đã ban hành và đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Thế Anh
Ý kiến bạn đọc