Xác định nhiệm vụ tuyên tryền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, Nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Các ngành, các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phong phú, phù hợp, góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Công tác PBGDPL được triển khai, thực hiện hiệu quả đi vào chiều sâu, thực chất đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn.
Ngay từ đầu năm 2023, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã chủ động tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến các sở, ngành, địa phương để tổ chức triển khai thực hiện.
Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã chủ động ban hành Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL của ngành, đơn vị.
Trên cơ sở Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh 8/8 huyện, thành phố (đạt 100%) đã ban hành Kế hoạch và tổ chức thực hiện Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật; Kế hoạch hoạt động của Hội đồng PBGDPL cùng cấp; đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phòng, ban chuyên môn, các tổ chức, đoàn thể và UBND cấp xã triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023.
Củng cố, kiện toàn tổ chức, đội ngũ làm công tác PBGDPL
Thực hiện Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai thực hiện và kiện toàn thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh với 38 thành viên. Một số ngành, đơn vị tiếp tục duy trì Hội đồng phối hợp PBGDPL như: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh…
Hội đồng PBGDPL cấp huyện đã rà soát, ban hành quyết định kiện toàn, bảo đảm đúng thành phần theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn tỉnh hiện nay có 504 báo cáo viên pháp luật, trong đó có 65 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 439 Báo cáo viên pháp luật cấp huyện. Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở cấp xã là 1.614 người.
Việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL, cung cấp tài liệu pháp luật nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ người làm công tác PBGDPL, đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn Giáo dục công dân, pháp luật trong các cơ sở giáo dục tiếp tục được quan tâm thực hiện. Công tác PBGDPL ngày càng thu hút được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác này, đặc biệt là tổ chức, cá nhân có chuyên môn về luật.
Nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật
Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã chủ động, định hướng về nội dung, hình thức PBGDPL cần tuyên truyền, phổ biến năm 2023, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh, cùng với xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuộc các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như: phòng, chống ma túy, mua bán người, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, phòng chống tác hại của rượu, bia, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, pháp luật về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, ma túy, bạo lực gia đình...và các lĩnh vực khác liên quan mật thiết đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã ban ban hành văn bản định hướng lựa chọn nội dung PBGDPL phù hợp theo từng tháng; lựa chọn chủ đề, nội dung PBGDPL đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức tuyên truyền miệng cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý và phối hợp với các ngành triển khai đến các đối tượng liên quan. Trong năm 2023, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công tổ chức thành công 6 hội nghị trực tuyến tuyên truyền phổ biến Luật người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật phòng chống ma túy; Hội nghị về Luật Tiếp cận thông tin, Luật an ninh mạng; Hội nghị phổ biến Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Hội nghị triển khai một số Đề án quan trọng của Thủ tướng Chính phủ và các VB hướng dẫn thi hành, Hội nghị tuyên truyền phổ biến Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Hội nghị phổ biến kỹ năng truyền thông giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho hơn 13.000 đại biểu tham dự từ điểm cầu tỉnh tới điểm cầu các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được tổng số 6.784 cuộc cho 505.901 lượt người, trong đó cấp huyện đã tổ chức tuyên truyền được 1.737 cuộc với 190.156 lượt người, cấp xã tổ chức tuyên truyền được 2.850 cuộc với 207.535 lượt người tham dự.
Việc biên soạn, cấp phát tài liệu đã phục vụ công tác tuyên truyền và nhu cầu tra cứu, tìm hiểu pháp luật cho cán bộ, Nhân dân được các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện như đã tập trung biên soạn phát hành sách hỏi - đáp, báo, tờ gấp, đề cương, băng đĩa giới thiệu các quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là các tài liệu tuyên truyền các văn bản luật mới ban hành, pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm, phòng chống tác hại của rượu bia, các vấn đề pháp luật dư luận, xã hội quan tâm.
Toàn tỉnh đã biên soạn phát hành 314.807 tài liệu PBGDPL gồm sách, báo, sổ tay pháp luật, tờ rơi, tờ gấp, đề cương tuyên truyền...thuộc các lĩnh vực khác nhau, liên quan trực tiếp đến cán bộ, người dân.
Tiếp tục duy trì và đặc biệt phát huy hiệu quả hình thức PBGDPL trên Báo Lai Châu; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh cấp huyện và mạng lưới Loa truyền thanh cơ sở; Hệ thống Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, Trang thông tin điện tử tổng hợp PBGDPL tỉnh; nội dung pháp luật tuyên truyền được thể hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, dễ tiếp cận như hình ảnh, tin, bài, phóng sự, giới thiệu văn bản pháp luật mới...Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành đăng tải hàng trăm tin, bài, văn bản pháp luật phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin pháp luật cho cán bộ, người dân, nổi bật như: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo…
Trong năm 2023, Trang thông tin điện tử tổng hợp PBGDPL tỉnh Lai Châu đã thực hiện đăng tải hơn 400 tin, bài, văn bản, tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đáp ứng yêu cầu trong việc truyền tải, cung cấp thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật các chủ chương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh đến cán bộ, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút hơn 700 nghìn lượt người truy cập.
Hoạt động PBGDPL thông qua hình thức tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật tiếp tục được quan tâm, thực hiện. Trong đó Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Lai Châu” năm 2023 thu hút 72.047 lượt theo dõi vào Wedsite Cuộc thi, với 30.467 lượt dự thi. Cuộc thi đã mang lại những hiệu ứng tích cực, truyền tải sâu rộng các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức, lồng ghép tổ chức các cuộc thi gắn nội dung tìm hiểu quy định, chính sách pháp luật, mang lại hiệu quả tuyên truyền tích cực, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Công tác hòa giải ở cơ sở
Tiếp tục triển khai Luật hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai hoạt động hòa giải ở cơ sở; thường xuyên phối hợp, hướng dẫn các huyện, thành phố quan tâm thực hiện công tác hòa giải. Sở Tư pháp đã ban hành công văn số 853/STP-PBGDPL về việc hướng dẫn tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Việc triển khai, thi hành Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đánh dấu một bước phát triển mới quan trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi mà các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong đời sống của cộng đồng dân cư ngày càng phức tạp về nội dung mâu thuẫn, tranh chấp. Thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội.
Từ khi Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành đã tạo điều kiện cho hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải đi vào nề nếp và đạt hiệu quả, góp phần kiện toàn, phát triển công tác hòa giải cơ sở nói riêng, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội nói chung.
Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể về vai trò, vị trí của công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan tư pháp địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự nhiệt tình, sáng tạo của các hòa giải viên nên phần lớn các tổ hòa giải đều hoạt động có hiệu quả. Một số địa phương đã quan tâm, bố trí nguồn kinh phí nhất định phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở nên đã khích lệ, động viên các hòa giải viên thực hiện hòa giải, phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng.
Trong 10 năm qua, cùng với sự vận động, phát triển của xã hội, các mâu thuẫn và tranh chấp trong nhân dân ngày càng gia tăng theo chiều hướng phức tạp. Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan tư pháp địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, sự nhiệt tình, sáng tạo của các hòa giải viên nên hàng ngàn mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích trong nhân dân trên địa bàn tỉnh được các hòa giải viên kịp thời phát hiện và tiến hành hòa giải, góp phần giải quyết tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ; giữ gìn, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân; góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn bình yên thôn xóm và giảm thiểu số vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Tòa án, tiết kiệm được công sức, tiền bạc của nhân dân.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã rà soát kiện toàn các tổ hòa giải, kịp thời bổ sung Hòa giải viên đối với những tổ hòa giải có sự thay đổi về nhân sự theo đúng quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 957 Tổ hòa giải ở cơ sở được thành lập với 5.228 Hòa giải viên. Các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiến hành tiếp nhận hòa giải 1278 vụ việc, trong đó hòa giải thành được 1086 vụ việc (đạt 85%), số vụ giải quyết không thành là 172 vụ, các vụ việc còn lại đang tiến hành hòa giải là 20 vụ việc.
Thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn góp phần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình đối với phụ nữ.
Công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Để triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 211/KH-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2023 thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023, đồng thời Sở đã ban hành Kế hoạch số 391/KH-STP ngày 28/3/2023 Tổ chức Hội nghị Tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023.
Tổ chức 08 hội nghị phổ biến, quán triệt sâu rộng về chủ trương, quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới cho hơn 400 cán bộ, công chức và người dân. Theo đó, các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được phổ biến cụ thể đồng thời quán triệt nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tủ sách pháp luật
Tủ sách pháp luật ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Việc khai thác, phát huy vai trò của TSPL ở cơ sở trên địa bàn tỉnh luôn được chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện đã đem lại hiệu quả tích cực trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và từng bước xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của nhân dân trong tỉnh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 101 tủ sách pháp luật (trong đó có: 55 tủ sách pháp luật cấp xã; 46 tủ sách pháp luật của lực lượng vũ trang) Mỗi tủ sách pháp luật có từ 150-200 đầu sách các loại để phục vụ nhu cầu tìm hiểu của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh còn có một số tồn tại, hạn chế sau:
Việc tổ chức, triển khai thực hiện chương trình PBGDPL tuy đã được các cơ quan, đơn vị từ tình đến cơ sở chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện, tuy nhiên vẫn còn số ít cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm về công tác PBGDPL nên chưa chỉ đạo sát sao trong thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo ngành, lĩnh vực, đơn vị phụ trách.
Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở một số địa bàn chưa cao, dẫn đến vi phạm pháp luật. Công tác xử lý vi phạm pháp luật một số vụ việc, ở một số nơi chưa gắn kết chặt chẽ với tuyên truyền, PBGDPL.
Đội ngũ làm công tác PBGDPL tuy đã được quan tâm xây dựng nhưng so với yêu cầu thực tế còn thiếu, chưa đồng đều. Đội ngũ Báo cáo viên pháp luật tuy có kiến thức pháp luật nhưng chưa dành nhiều thời gian cho công tác tuyên truyền, phổ biến.
Kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được quan tâm nhưng so với thực tiễn với chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu thực hiện lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch của cơ quan, đơn vị, địa phương nên khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác PBGDPL các sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về những vấn đề khó khăn, vướng mắc để có giải pháp trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên truyền PBGDPL; chủ động bám sát chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Tư pháp để xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Các cơ quan, đơn vị cần quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm được giao theo Luật PBGDPL; đặc biệt phát huy vai trò của lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan trong việc chỉ đạo, triển khai tuyên truyền phổ biến pháp luật chuyên ngành thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm mở rộng đối tượng tuyên truyền, lồng ghép thực hiện tránh chồng chéo; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, chủ động, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động phân công báo cáo viên, tuyên truyền viên trực tiếp tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ sở; chủ động nắm bắt tình hình xử lý nhanh, chính xác những vấn đề đang diễn ra ở cơ sở mà thực tiễn đòi hỏi.