Chủ nhật, 17/11/2024, 05:14

Một số quy định mới về thương mại điện tử

Thứ năm - 28/10/2021 02:54 2.479 0
Ngày 25/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Nghị định số 85/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 với những điểm mới cơ bản:
Một số quy định mới về thương mại điện tử
Thêm chủ thể của hoạt động thương mại điện tử là dịch vụ logistic
Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi khoản 5 Điều 24 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định: “Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động thương mại điện tử”. Như vậy, thương nhân cung cấp dịch vụ logistics chính thức được công nhận là chủ thể của hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ logistics trong quá trình giao dịch qua sàn thương mại điện tử cũng được đề cập đến tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.
Bắt buộc công bố về chính sách kiểm hàng trên website thương mại điện tử
Theo khoản 1 Điều 13 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, tất cả các website thương mại điện tử phải công bố về chính sách kiểm hàng; chính sách hoàn trả, bao gồm thời hạn hoàn trả, phương thức trả hoặc đổi hàng đã mua, cách thức lấy lại tiền, chi phí cho việc hoàn trả này.
Như vậy, từ ngày Nghị định số 85/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2022), chính sách kiểm hàng khi người dùng mua sản phẩm bắt buộc phải được thể hiện rõ ràng ở trên website thương mại điện tử đó. Tuy nhiên, chính sách kiểm hàng cụ thể sẽ theo quy định của từng website thương mại điện tử.
Facebook, Zalo, Instagram... trở thành website thương mại điện tử
Theo quy định tại khoản 15 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử sau khi được sửa đổi, bổ sung gồm:
- Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.
- Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng.
- Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.
- Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại các mục nêu trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.
Như vậy, từ ngày 01/01/2022, bên cạnh hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử thông qua website như trước đây, thương nhân, tổ chức còn được thực hiện hoạt động thương mại điện tử thông qua các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram... Theo đó, người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động mua bán phải trả phí và thực hiện đăng ký theo quy định.
Bổ sung trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử
Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về trách nhiệm của thương nhân về việc xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử, như: Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam; Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn 2 bên tham gia; Lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về kế toán... (Quy định trước đây không nêu chi tiết các biện pháp mà thương nhân phải khắc phục để áp dụng để xử lý các hành vi vi phạm).
Đăng ký thiết lập website thương mại điện tử chỉ cần nộp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bản sao
Trước đây, hồ sơ đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử yêu cầu phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy phép đầu tư (đối với thương nhân).
Từ ngày 01/01/2022, liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thương nhân cần nộp một trong những loại giấy tờ sau:
- Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu quyết định thành lập (đối với tổ chức);
- Bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp (đối với thương nhân),
- Giấy phép kinh doanh (đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài)
Như vậy, chỉ có giấy phép đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài là yêu cầu phải nộp bản chính.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down