Chủ nhật, 17/11/2024, 07:20

Ngành Tư pháp Lai Châu: Dấu ấn “tuổi đôi mươi”

Thứ năm - 25/08/2022 23:16 1.496 0
Trải qua 18 năm xây dựng và phát triển, ngành tư pháp tỉnh Lai Châu đã có nhiều đổi mới tích cực, không ngừng lớn mạnh về tổ chức bộ máy cán bộ; chất lượng, hiệu quả hoạt động. Công tác tư pháp ngày càng được nâng cao, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh Lai Châu.
Ngày 01/01/2004, tỉnh Lai Châu chính thức được chia tách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Đây cũng là thời điểm Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu (mới) được thành lập và đi vào hoạt động. Nếu như so với 77 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Tư pháp Việt Nam thì ngành Tư pháp Lai Châu còn quá non trẻ. Mặc dù còn có khó khăn về nhiều mặt nhưng với truyền thống và tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó nên từ khi được thành lập đến nay ngành Tư pháp Lai Châu đã đạt được những thành tích đáng tự hào.
anh 1                                Ảnh đại diện công chức, viên chức và người lao động Sở Tư pháp

Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên

Ngày đầu mới được thành lập, Sở Tư Pháp Lai Châu chỉ có 8 công chức, người lao động (bao gồm cả công chức lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, lái xe, phục vụ) được điều động từ Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu (cũ) sang. Đây thực sự là thách thức rất lớn đối với các cán bộ tư pháp nói riêng và của ngành Tư pháp Lai Châu nói chung. Đối mặt với muôn vàn thách thức, nhưng với sự đoàn kết, thống nhất một lòng, ngành Tư pháp Lai Châu đã nhanh chóng bắt tay vào việc, vừa củng cố, xây dựng về tổ chức, bộ máy, vừa triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Xác định con người là yếu tố quan trong nhất, quyết định sự phát triển của ngành, các thế hệ lãnh đạo Sở Tư pháp Lai châu luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, xây dựng dựng công chức, viên chức trong ngành vững vàng về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đến nay qua quá trình thực hiện việc tuyển dụng kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, Sở Tư pháp đã có 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với 40 công chức, viên chức và người lao động; trong đó có 09 công chức có trình độ thạc sĩ; còn lại các công chức, viên chức khác đều có trình độ đại học; 02 công chức ngạch chuyên viên cao cấp, 06 công chức ngạch chuyên viên chính.

Không chỉ quan tâm xây dựng, củng cố đội ngũ công chức, viên chức thuộc Sở mà Sở Tư pháp còn phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện trong việc xây dựng, củng cố đội ngũ công chức Tư pháp cấp cơ sở. Đã có 8/8 huyện, thành phố có cơ cấu Phòng Tư pháp, trong đó một số Phòng Tư pháp đã bố trí 5 công chức, trình độ chuyên môn cũng được nâng lên. Toàn ngành Tư pháp có 161 công chức Tư pháp cấp xã (số xã có 02 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch trở lên 53 xã; trình độ Đại học Luật trở lên 107/161; trình độ Trung cấp Luật 54/161 người; 28 công chức Tư pháp cấp huyện (trình độ Đại học Luật trở lên 25/28; trình độ Đại học khác 03/28 người. Đội ngũ công chức, viên chức tính toàn ngành Tư pháp có trình độ đại học trở lên chiếm trên 70% từ đó cho thấy ngành Tư pháp Lai Châu nói chung và Sở Tư pháp nói riêng sẽ đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Sở Tư pháp Lai Châu là 1/5 đơn vị tiên phong thực hiện việc tinh gọn lại bộ máy theo Nghị quyết 18, 19 của Trung ương, được Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh khen ngợi, đánh giá cao.

Những nỗ lực vượt bậc

Trong những năm qua, Sở Tư pháp đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Với chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu đã làm tốt vai trò tham mưu giúp UBND các cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác Tư pháp, đặc biệt là công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Sở đã tham gia về mặt pháp lý một số dự thảo văn bản do ngành chủ trì soạn thảo trước khi trình UBND, HĐND xem xét ban hành; triển khai nghiên cứu, tham gia ý kiến vào các dự thảo Luật, pháp lệnh, văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh do bộ ngành ở trung ương chủ trì soạn thảo. Qua đó góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác văn bản, đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát đúng tiến độ, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi và phù hợp với điều kiện địa phương của các dự thảo văn bản, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính có nhiều đột phá nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành; góp phần cải thiện các chỉ số PCI, PAX – INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh theo nhiệm vụ được giao của ngành Tư pháp. Đẩy mạnh xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; sử dụng hòm thư công vụ để trao đổi công việc; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử trên Hệ thống Phần mềm quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu; tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chữ ký số cá nhân, đảm bảo tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng đạt 100%; xây dựng quy trình nội bộ cắt giảm thời gian giải quyết 87/134 thủ tục hành chính bình quân giảm gần 50% so với thời gian quy định.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, cả về nội dung và phương pháp tuyên truyền, bám sát vào nhiệm vụ chính trị của địa phương và định hướng của Bộ Tư pháp. Đã tổ chức kịp thời, có hiệu quả cuộc thi “Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lai Châu”; cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Lai Châu”. Tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến từ tỉnh đến xã tuyên truyền phổ biến Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Biên phòng và các văn bản có liên quan cho hàng nghìn đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh, điểm cầu UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh..

Cùng với đó, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách cũng luôn được Sở Tư pháp quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đặc biệt là trợ giúp pháp lý lưu động kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Mỗi năm Trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức hàng chục đợt trợ giúp pháp lý lưu động kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, giúp cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý, nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật.

Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của công chức, viên chức, Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu luôn được Bộ Tư pháp xếp hạng A toàn quốc. Năm 2021, lần đầu tiên Sở Tư pháp vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng về chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành tỉnh Lai Châu (năm 2019 và 2020 xếp hạng 2). Năm 2020 được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua và đặc biệt trong năm 2021 Sở Tư pháp vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương lao động hạng nhì.
z3672667228141 9803b8080eed6d0976136888a36ed1d4

Đại diện Phòng Tư pháp các huyện, thành phố chụp ảnh cùng Lãnh đạo Sở Tư pháp nhân kỷ niệm 77 năm thành lập Ngành Tư pháp Việt Nam


Khẳng định vai trò, vị thế ngành Tư pháp

Sở Tư pháp đã được tin tưởng giao tham mưu cho UBND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh; giúp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xử lý hỗ trợ giải quyết các thủ tục đối với các dự án đầu tư trọng điểm, dự án đầu tư ngoài ngân sách; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Chủ tịch UBND tỉnh tại các vụ án hành chính; tham mưu UBND tỉnh chấm dứt một số dự án đầu tư vi phạm về quy hoạch, về thủ tục đầu tư, về tiến độ…

Vai trò, tiếng nói của ngành Tư pháp được thể hiện và khẳng định rõ trong công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) một trong những nhiệm vụ được xác định là trọng tâm. Các dự thảo văn bản QPPL được thẩm định, tham gia ý kiến đều đảm bảo trình tự thủ tục, đúng thời gian quy định, nội dung thẩm định chất lượng đảm bảo khách quan dựa trên tình hình thực tế của địa phương và quy định của pháp luật, ý kiến thẩm định được các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo văn bản.

Đây cũng là tiền đề vững chắc để ngành Tư Pháp Lai Châu tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đảm bảo quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Tin rằng với tinh thần đoàn kết, sự cố gắng nỗ lực phấn đấu, quyết tâm công chức, viên chức ngành Tư pháp Lai Châu cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành sẽ hoàn thành tốt mục tiêu công việc đề ra.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down