Chủ nhật, 17/11/2024, 03:21

Nỗ lực vượt khó, ngành Tư pháp góp phần phòng chống đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế

Thứ hai - 31/01/2022 22:26 505 0
(PLVN) -Phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, năm 2021 ngành Tư pháp đã tích cực, chủ động, kịp thời tham mưu giúp Quốc hội, Chính phủ, UBND các cấp tập trung xử lý những vấn đề pháp lý phát sinh trong đại dịch Covid-19, đảm bảo các hoạt động của Bộ, Ngành thông suốt, hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
anh 1 bo
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Nhìn lại kết quả trên mọi lĩnh vực công tác, có lẽ Bộ trưởng Lê Thành Long cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái hơn trong những ngày đón chào một mùa Xuân mới….

Tích cực tham mưu xây dựng thể chế, pháp luật hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Trước mặt tôi vẫn là người Bộ trưởng gần gũi, sâu sắc nhưng trong câu chuyện, ông chợt có những thoáng tĩnh lặng với nhiều cảm xúc khi nói về bối cảnh khó khăn của đất nước trong thời khắc năm cũ sắp qua. Đó là những ngày đầu tiên ngay sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026, khi nhân sự vừa được kiện toàn ở cả Trung ương và địa phương cũng là lúc dịch bệnh Covid -19 liên tục bùng phát với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Khó khăn chồng chất khi Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm chống dịch, nguồn vắc xin khan hiếm, ý thức phòng chống dịch nhiều nơi còn chưa cao…

Nỗ lực vượt khó, ngành Tư pháp góp phần phòng chống đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thảo luận tại phiên họp tổ tại kỳ họp thứ 2, QH khóa XV.

Theo Bộ trưởng Tư pháp cùng với nhiệm vụ tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất những định hướng chính sách lớn, then chốt trong cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, nhất là trong việc thể chế hóa, cụ thể hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương, Kết luận, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan tới công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tham mưu xây dựng Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV thì Bộ, ngành Tư pháp còn gánh trên vai trách nhiệm nặng nề là tham mưu giúp Quốc hội, Chính phủ giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh do tác động của dịch bệnh Covid -19. “Đây là những vấn đề hết sức mới, rất khó và chưa có tiền lệ…”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhớ lại.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, đất nước ta đã vượt qua thử thách; đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát; kinh tế - xã hội đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng; các lĩnh vực an sinh xã hội, văn hóa, môi trường đạt nhiều kết quả tích cực; đất nước an bình trong bối cảnh quốc phòng an ninh, đối ngoại được bảo đảm.

Nỗ lực vượt khó, ngành Tư pháp góp phần phòng chống đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế ảnh 2

Bộ Tư pháp phối hợp Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, nhận diện tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, kéo dài của đại dịch COVID-19; tham mưu, sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Là thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, Bộ Tư pháp đã kịp thời thành lập Tổ công tác đặc biệt về các vấn đề pháp lý và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tổ công tác đã tích cực, chủ động trong tham mưu xây dựng các văn bản, chính sách phục vụ trực tiếp công tác phòng, chống dịch, bệnh bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, nhiều văn bản khác liên quan đến việc gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế và tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ở địa phương, các cơ quan Tư pháp cũng đã phát huy vai trò trong tham mưu với UBND các cấp xử lý hiệu quả những vấn đề pháp lý phát sinh, kịp thời ứng phó với dịch bệnh. Những nỗ lực này của Ngành đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2022.

Vấn đề mà Bộ trưởng Lê Thành Long cảm thấy yên tâm hơn cả là nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được khắc phục, nhiều mặt cho thấy sự khởi sắc. Tới nay, nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đã trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, tổ chức thi hành pháp luật. “Điều này kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác xây dựng thể chế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, trong đó nổi bật là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Nhiều lĩnh vực thể hiện bước đi đột phá, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, hàng loạt địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội và áp dụng các biện pháp hành chính để phòng, chống dịch bệnh nhưng với phương châm trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được ngưng trệ việc giải quyết công việc cho dân. Ngành Tư pháp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, ngày càng sâu sát hơn, tăng cường hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho địa phương.

Nỗ lực vượt khó, ngành Tư pháp góp phần phòng chống đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế ảnh 3

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào và Chủ tịch nước Việt Nam chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác song phương. Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long và Bộ trưởng Tư pháp Lào Phayvy SIBOULYPHA ký Chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp CHDCND Lào năm 2022.

Bộ trưởng Lê Thành Long cảm thấy vui khi các lĩnh vực công tác của Ngành vẫn đảm bảo thông suốt, hiệu quả, nhiều lĩnh vực có những sáng tạo mang tính đột phá, nhất là trong công tác công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, phản ứng nhanh, kịp thời, thích ứng linh hoạt với bối cảnh thực tại của đất nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ các nhiệm vụ cần ưu tiên để tập trung nguồn lực thực hiện. Chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm tác nghiệp trong các lĩnh vực chuyên ngành; tập trung cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; quy trình hóa, mẫu hóa theo hướng khoa học, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Đơn cử, tại 63 tỉnh thành, đến nay, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã được triển khai; là cơ sở nền tảng cho việc cấp số định danh cá nhân; tương tự là 2,7 triệu dữ liệu khai sinh của trẻ dưới 6 tuổi đã được chuyển thành công sang CSDLQG về bảo hiểm để cấp thẻ BHYT; Quy chế một cửa liên thông trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp và giấy phép lao động cho người nước ngoài được xây dựng; phần mềm đăng ký trực tuyến và áp dụng chữ ký số trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm đã góp phần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong công tác đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, tạo thuận lợi rất lớn cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19. Các tổ chức bổ trợ tư pháp đã bố trí làm việc luân phiên hoặc 3 tại chỗ, chú trọng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép hành nghề trong các lĩnh vực bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất hơn với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh dịch bệnh.

Bộ Tư pháp cũng có nhiều chia sẻ thiết thực với doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi dịch bệnh như tiếp tục giảm 20% phí cho cá nhân, tổ chức khi yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản, tàu biển (trừ tàu máy bay); giảm chi phí cho các cá nhân, tổ chức đến yêu cầu cung cấp dịch vụ công. Trong năm, Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 góp phần hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong điều kiện phải “chắt chiu” về nguồn lực nhưng theo Bộ trưởng Tư pháp, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật đối với một số lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp như thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp; pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật... tiếp tục được quan tâm đầu tư với nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng nhân lực ngành Tư pháp ngày càng được nâng cao; nhiều cán bộ ngành Tư pháp được nhân dân tin tưởng, tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác nghiên cứu khoa học pháp lý; việc thanh tra, kiểm tra, bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của Ngành được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.

Ưu tiên nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, một trong những điều khiến Bộ trưởng Lê Thành Long trăn trở chính là nguồn lực của Bộ, Ngành đặt trong bối cảnh nhiệm vụ được giao ngày càng nhiều, nhiều nhiệm vụ mới, khó, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, tiến độ. Hàng năm, ngành Tư pháp vẫn phải tiếp tục thực hiện chủ trương chung về tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Trung ương và quy định của Chính phủ; số lượng cán bộ làm công tác tư pháp, pháp chế, nhất là cán bộ pháp chế chuyên trách ở địa phương vẫn giảm mạnh, đội ngũ công chức tư pháp hộ tịch cấp xã thường xuyên biến động.

Cùng với đó thì có một số hạn chế trong công tác tư pháp chưa được khắc phục triệt để, nhất là những công việc liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân như vẫn còn tình trạng ra quyết định thi hành án thiếu chính xác; tình trạng chậm cấp phiếu Lý lịch tư pháp; hoạt động của một số tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản còn để xảy ra sai phạm.

Nhắc đến những hạn chế này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, cần phải nhận diện đúng cả nguyên nhân chủ quan và khách quan để có những giải pháp khắc phục trong năm mới 2022. Đây là năm mà dự báo tình hình quốc tế và trong nước còn tiếp tục khó khăn; thách thức, dịch bệnh có thể còn phức tạp và nguy hiểm, dự báo sẽ tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp trong điều hành phát triển kinh tế xã hội. Do đó, toàn ngành cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, theo sát tình hình thực tiễn, ưu tiên nguồn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, nhất là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện mục tiêu phát triển KTXH năm 2022 bảo đảm hiệu quả và thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19;

Một nhiệm vụ quan trọng khác mà Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh tại nhiều diễn đàn, Hội nghị đó là “đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển”, chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Để hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cùng với cả hệ thống chính trị, ngành Tư pháp xác định phải tiếp tục rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, cải cách chính sách công vụ, tiền lương, tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Tư pháp đặc biệt là cán bộ ở cấp cơ sở; nguồn nhân lực chất lượng cao. Tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án mới về xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm về đào tạo pháp luật, xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh Tư pháp sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự báo dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện, đảm bảo hoạt động của Bộ, Ngành tiếp tục thông suốt, hiệu quả, Bộ trưởng nhấn mạnh từng cán bộ, công chức, người lao động ngành Tư pháp cần phát huy truyền thống tốt đẹp vốn có, nỗ lực hơn nữa, trí tuệ hơn nữa, chủ động hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao.

Cùng với đó, Bộ trưởng đề nghị toàn Ngành cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, thích ứng linh hoạt với bối cảnh thực tại của đất nước và từng địa phương; chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp; phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khi có sai phạm; đồng thời, kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân nỗ lực đạt kết quả cao, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, năm 2022 Bộ trưởng Lê Thành Long tin tưởng toàn ngành Tư pháp sẽ cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần ổn định chính trị, phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; cuộc sống của người dân bình an, no ấm. Nhân dịp Xuân Nhâm Dần, Bộ trưởng gửi lời chúc mừng đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong ngành, một năm mới an khang, thịnh vượng.

Từ Đại hội XI của Đảng xây dựng và hoàn thiện thể chế đã được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ mới, ngành Tư pháp cũng đã tích cực tham mưu tổ chức những hội nghị, hội thảo lớn mang tầm vóc quốc gia. Có thể kể đến là hai hội nghị, hội thảo quan trọng: Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về xây dựng, hoàn thiện thể chế; Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chuyển tải thông điệp mạnh mẽ, xây dựng thể chế, pháp luật phải thực sự là đòn bẩy, kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển. Nhắc lại dặn dò này của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long tâm niệm, xây dựng và thực thi thể chế càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong bối cảnh dịch bệnh. Thể chế phải đi trước một bước mới tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư kinh doanh, phục hồi sản xuất.

(Theo nguồn: baophapluat.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down