Luật Giá năm 2023 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19/6/2023. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Theo đó, hoạt động thẩm định giá bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá và hoạt động thẩm định giá của Nhà nước. Hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá do doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện, được giao kết bằng hợp đồng dân sự; hoạt động thẩm định giá của Nhà nước do hội đồng thẩm định giá thực hiện theo quyết định của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
Nguyên tắc hoạt động thẩm định giá: Tuân thủ pháp luật, Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam. Độc lập, khách quan, trung thực. Chịu trách nhiệm về hoạt động thẩm định giá theo quy định của pháp luật.
Thẩm định viên về giá: Thẩm định viên về giá là người có thẻ thẩm định viên về giá đã thực hiện đăng ký hành nghề thẩm định giá và được Bộ Tài chính thông báo là thẩm định viên về giá.
Trong quá trình hành nghề thẩm định giá, thẩm định viên về giá phải duy trì điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá theo quy định. Doanh nghiệp thẩm định giá phải kịp thời báo cáo Bộ Tài chính trường hợp biến động thẩm định viên về giá do thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp không còn duy trì điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá hoặc thay đổi nơi đăng ký hành nghề.
Quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá
- Quyền của thẩm định viên về giá: Hành nghề thẩm định giá theo quy định của Luật này; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá theo lĩnh vực chuyên môn; được phép hành nghề mà không phải trang bị thêm các chứng chỉ, điều kiện chuyên môn khác với quy định của Luật này; đưa ra quan điểm độc lập về chuyên môn nghiệp vụ; yêu cầu khách hàng phối hợp trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến tài sản thẩm định giá và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thẩm định giá; không chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin về tài sản thẩm định giá do khách hàng cung cấp; từ chối thực hiện thẩm định giá trong trường hợp không đúng lĩnh vực chuyên môn được phép hành nghề hoặc xét thấy hồ sơ, tài liệu để thực hiện thẩm định giá không đủ hoặc không bảo đảm tin cậy; tham gia tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật; quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Nghĩa vụ của thẩm định viên về giá: Tuân thủ quy định về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật Giá và quy định khác của pháp luật có liên quan; bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực, khách quan, chính xác trong quá trình thẩm định giá tài sản; chịu trách nhiệm về chuyên môn trong quá trình thực hiện và bảo đảm báo cáo thẩm định giá tuân thủ các Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam; giải trình hoặc bảo vệ các nội dung tại báo cáo thẩm định giá do mình thực hiện với khách hàng thẩm định giá hoặc bên thứ ba được sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá khi có yêu cầu; giải trình báo cáo thẩm định giá do mình thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật; tham gia các chương trình cập nhật kiến thức về thẩm định giá theo quy định; lập hồ sơ về thẩm định giá theo quy định của pháp luật; nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp thẩm định giá
- Doanh nghiệp thẩm định giá là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký ngành, nghề kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của Luật này.
- Người có chức vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về giá, sau khi thôi giữ chức vụ, không được thành lập hoặc giữ các chức danh, chức vụ quản lý, điều hành tại doanh nghiệp thẩm định giá trong thời hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
- Khi đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, doanh nghiệp phải có ít nhất 05 người có thẻ thẩm định viên về giá đủ các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá theo quy định đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp và đáp ứng điều kiện sau đây:
+ Đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty hợp danh thì chủ doanh nghiệp, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp tư nhân; người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty hợp danh phải đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Giá. Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân, các thành viên hợp danh công ty hợp danh phải là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp;
+ Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần thì người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Giá; đồng thời doanh nghiệp phải có ít nhất 02 thành viên góp vốn hoặc 02 cổ đông phải là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp.
Trường hợp thành viên góp vốn hoặc cổ đông là tổ chức thì người đại diện theo ủy quyền của của tổ chức góp vốn phải là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp; tổng phần vốn góp của các thành viên là tổ chức không quá 35% vốn điều lệ. Tổng số vốn góp của các thành viên hoặc cổ đông là người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
- Trường hợp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá bị mất, rách hoặc thông tin thay đổi so với thông tin trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá phải làm thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
- Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá, người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá
- Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Là người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
+ Là thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp đó;
+ Có từ đủ 36 tháng là thẩm định viên về giá;
+ Duy trì điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đang còn hiệu lực với doanh nghiệp mà người có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề thẩm định giá, trừ trường hợp người có thẻ thẩm định viên về giá là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; Đã cập nhật kiến thức về thẩm định giá theo quy định của Bộ Tài chính, trừ trường hợp thẻ thẩm định viên về giá được cấp dưới 01 năm tính đến thời điểm đăng ký hành nghề; Không thuộc đối tượng không được hành nghề thẩm định giá.
+ Không thuộc các trường hợp đã giữ vị trí người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá đã bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong thời gian 12 tháng đối với doanh nghiệp thẩm định giá đã bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá lần đầu và 60 tháng đối với doanh nghiệp thẩm định giá đã bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá từ lần 02 trở lên tính tới thời điểm nộp hồ sơ cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
- Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá, người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá được ghi tên trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cấp cho doanh nghiệp thẩm định giá.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá
- Quyền của doanh nghiệp thẩm định giá được quy định như sau:
+ Cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật này;
+ Tham gia hội nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp trong nước và ngoài nước về thẩm định giá theo quy định của pháp luật;
+ Yêu cầu khách hàng thẩm định giá cung cấp hồ sơ, tài liệu, số liệu có liên quan đến tài sản thẩm định giá và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thẩm định giá;
+ Từ chối thực hiện dịch vụ thẩm định giá;
+ Quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá được quy định như sau:
+ Tuân thủ quy định về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật này;
+ Thực hiện thẩm định giá theo đúng hợp đồng thẩm định giá và lĩnh vực chuyên môn được phép thực hiện; bố trí thẩm định viên về giá, người có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện thẩm định giá theo hợp đồng đã ký kết; tạo điều kiện để thẩm định viên về giá thực hiện hoạt động thẩm định giá độc lập, khách quan;
+ Xây dựng, tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng báo cáo thẩm định giá để phát hành và cung cấp chứng thư thẩm định giá cho khách hàng thẩm định giá;
+ Bảo đảm chứng thư thẩm định giá phát hành tuân thủ các quy định của Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam, trừ trường hợp khách hàng thẩm định giá cố tình cung cấp thông tin sai lệch về tài sản thẩm định giá; chịu trách nhiệm trước khách hàng về việc cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo hợp đồng đã ký kết;
+ Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do vi phạm những thỏa thuận trong hợp đồng thẩm định giá hoặc trong trường hợp hoạt động thẩm định giá gây thiệt hại đến lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân do không tuân thủ các quy định về thẩm định giá;
+ Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá hoặc trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
+ Quản lý, giám sát hoạt động của thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp;
+ Thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
+ Tổ chức bảo quản, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về thẩm định giá an toàn, đầy đủ, hợp pháp và bảo mật theo quy định của pháp luật về lưu trữ; Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá
- Chứng thư thẩm định giá phải có chữ ký của thẩm định viên về giá thực hiện thẩm định giá và do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá hoặc người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá ký và đóng dấu.
- Báo cáo thẩm định giá phải có chữ ký của thẩm định viên về giá thực hiện thẩm định giá và phê duyệt của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá hoặc người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá và không thể tách rời với chứng thư thẩm định giá.
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá được phép ủy quyền cho người quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp ký chứng thư thẩm định giá và xem xét, phê duyệt báo cáo thẩm định giá. Người được ủy quyền phải là thẩm định viên về giá tại doanh nghiệp.
- Chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá được sử dụng làm một trong những cơ sở để khách hàng, tổ chức, cá nhân có liên quan được ghi tại hợp đồng thẩm định giá xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá của tài sản. Chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn hiệu lực theo đúng mục đích thẩm định giá gắn với đúng thông tin tài sản, số lượng tài sản tại hợp đồng thẩm định giá.
- Chứng thư thẩm định giá phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của Bộ Tài chính, trừ trường hợp thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Quyền, nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá và tổ chức, cá nhân có liên quan được ghi trong hợp đồng thẩm định giá
- Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật để giao kết hợp đồng thẩm định giá.
- Quyền của khách hàng thẩm định giá, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) được ghi trong hợp đồng thẩm định giá được quy định như sau:
+ Yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề thẩm định giá và thông tin về thẩm định viên về giá;
+ Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến hoạt động thẩm định giá, tài sản thẩm định giá;
+ Yêu cầu thay thế thẩm định viên về giá tham gia thực hiện thẩm định giá khi có căn cứ cho rằng thẩm định viên về giá đó vi phạm Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam và nguyên tắc hoạt động trung thực, độc lập, khách quan trong quá trình thực hiện thẩm định giá;
+ Yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá; yêu cầu bồi thường trong trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá có hành vi vi phạm gây thiệt hại;
+ Xem xét, quyết định việc sử dụng chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá;
+ Quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) được ghi trong hợp đồng thẩm định giá được quy định như sau:
+ Cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời, khách quan thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản thẩm định giá theo yêu cầu của doanh nghiệp thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu đã cung cấp;
+ Phối hợp, tạo điều kiện cho thẩm định viên về giá thực hiện thẩm định giá;
+ Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác các vi phạm pháp luật và vi phạm hợp đồng thẩm định giá trong hoạt động thẩm định giá của thẩm định viên về giá và doanh nghiệp thẩm định giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Thanh toán giá dịch vụ thẩm định giá theo thỏa thuận trong hợp đồng;
+ Chịu trách nhiệm về việc sử dụng chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá trong việc quyết định, phê duyệt giá tài sản. Việc sử dụng chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá phải trong thời gian hiệu lực của chứng thư thẩm định giá, theo đúng mục đích thẩm định giá gắn với đúng tài sản, số lượng tài sản tại hợp đồng thẩm định giá;
+ Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Xác định giá dịch vụ thẩm định giá
Giá dịch vụ thẩm định giá được ghi trong hợp đồng thẩm định giá, thực hiện theo giao dịch dân sự giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá và phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí thực tế hợp lý để thực hiện đầy đủ các hoạt động theo phạm vi công việc được quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.
Phương thức giải quyết tranh chấp về hợp đồng thẩm định giá
- Thương lượng, hòa giải trên cơ sở những cam kết đã ghi trong hợp đồng thẩm định giá.
- Giải quyết bằng trọng tài thương mại.
- Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Ý kiến bạn đọc