Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Lê Văn Lương – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Minh Hùng – Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Tại điểm cầu tỉnh có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước tỉnh, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh; đại biểu khối doanh nghiệp; thành viên Hội đồng thẩm định và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định xác định Chỉ số Cải cách hành chính; thành viên Tổ đánh giá DDCI tỉnh Lai Châu năm 2021…
Tại điểm cầu các huyện, thành phố có lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn…
Tại Hội nghị đã thông qua tóm tắt dự thảo báo cáo tình hình thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021; phân tích Chỉ số PAR INDEX tỉnh Lai Châu năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 và những năm tiếp theo. Theo đó, PCI của tỉnh Lai Châu năm 2021 đạt 61,22 điểm, xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố (tăng 1 bậc so với năm 2020) và xếp thứ 11/14 tỉnh trong khu vực trung du miền núi phía Bắc (tăng 1 bậc so với năm 2020).
Kết quả PCI tỉnh năm 2021 chưa đạt mục tiêu so với Kế hoạch. Trong 10 chỉ số thành phần có 3 chỉ số tăng điểm và tăng hạng (tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp); 5 chỉ số giảm điểm và giảm vị trí xếp hạng (gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý).
Nhằm nâng cao chỉ số PCI tỉnh Lai Châu năm 2022, tỉnh đề ra một số giải pháp: tiếp tục đổi mới và thực hiện cải cách thủ tục hành chính hướng tới nền hành chính phục vụ, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đặc biệt là tại các huyện, thành phố với mục tiêu giảm tối đa thời gian, chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh; công khai toàn bộ các quy định, chính sách, chủ động cung cấp thông tin và hướng dẫn thực hiện quy định, chính sách trên các kênh thông tin; tập trung đẩy mạnh khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, giải quyết thủ tục hành chính...
Những năm qua, Chỉ số cải cách hành chính có những đột phá, tăng ổn định. Năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đạt 86,69 điểm, xếp vị trí thứ 31/63 tỉnh, thành phố (tăng 7 hạng so với năm 2020). 5/8 chỉ số thành phần tăng hạng (xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính), mức tăng hạng cao nhất là chỉ số thành phần cải cách tổ chức bộ máy đạt 10,23/11,5 điểm (bằng 88,95%), xếp hạng 21/63, tăng 29 hạng so với các tỉnh, thành phố.
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 86,81% (tăng 2,67% năm 2020) xếp vị trí thứ 37/63 tỉnh/thành phố.
Tại buổi tọa đàm đã phân tích chỉ số PCI năm 2021 tỉnh Lai Châu và các khuyến nghị giúp tỉnh định hướng giải pháp cụ thể nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo; khuyến nghị các giải pháp cải thiện Chỉ số PAR INDEX tỉnh Lai Châu năm 2022.
Buổi tọa đàm đã công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) năm 2021. Theo đó, đối với các sở, ban, ngành tỉnh: Sở Thông tin và Truyền thông xếp hạng nhất, với 82,90 điểm; đối với các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh: Ngân hàng Nhà nước xếp thứ nhất, với 78,63 điểm; đối với các huyện, thành phố: huyện Tam Đường xếp thứ nhất, với 83,23 điểm.
Công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các sở, ban, ngành, địa phương. Theo đó, đối với các sở, ngành: Sở Tư pháp xếp hạng nhất, với 88,53 điểm; đối với 5 đơn vị đặc thù: Sở Ngoại vụ xếp thứ nhất, với 61,29 điểm; đối với các huyện, thành phố: huyện Than Uyên xếp thứ nhất, với 78,51 điểm.
Tham luận tại Hội nghị, các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã tham luận các giải pháp: nâng cao chỉ số thành phần tiếp cận đất đai, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động, liên kết với doanh nghiệp trong tỉnh giải quyết việc làm sau đào tạo…
Phát biểu Kết luận tọa đàm, đồng chí Tống Thanh Hải – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh biểu dương, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiêu biểu như: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, huyện Than Uyên…
Đồng chí đề nghị: các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: tổ chức kiểm điểm, đánh giá, phân tích, đề ra nhiệm vụ, những giải pháp mới, cách làm hay, đột phá, phù hợp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ…
Ý kiến bạn đọc