Chủ nhật, 17/11/2024, 07:22

Một số quy định mới về công tác hộ tịch

Thứ tư - 15/07/2020 21:17 734 0
Ngày 28/5/2020, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BTP "Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch" (gọi tắt là Thông tư số 04). Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/7/2020 và thay thế Thông tư số 05/2015/TT-BTP.
Một số quy định mới về công tác hộ tịch

Trên cơ sở kế thừa những quy định của Thông tư số 15/2015/TT-BTP, Thông tư số 04 đã có sự điều chỉnh, thay thế và bổ sung các quy định hướng dẫn đăng ký một số việc hộ tịch một cách cụ thể hơn như sau:
Thứ nhất, về đăng ký khai sinh:
Đối với đăng ký khai sinh cho trẻ em: Thông tư quy định việc đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
Đối với đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài: Trường hợp cha, mẹ lựa chọn quốc tịch nước ngoài cho con khi đăng ký khai sinh mà cơ quan có thẩm quyền nước ngoài không xác nhận việc trẻ có quốc tịch phù hợp quy định pháp luật của nước đó thì cơ quan đăng ký hộ tịch vẫn thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ, nhưng để trống phần ghi về quốc tịch trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh. Trường hợp cha hoặc mẹ của người được khai sinh là người nước ngoài thì ghi tên người đó theo đúng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu.
Về giấy tờ, tài liệu là cơ sở đăng ký lại khai sinh, đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân: Theo đó, tại khoản 4, Điều 9 của Thông tư quy định: Trường hợp giấy tờ của người yêu cầu đăng ký lại khai sinh không có thông tin chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch có văn bản đề nghị cơ quan công an có thẩm quyền xác minh. Trường hợp cơ quan công an trả lời không có thông tin thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho người yêu cầu đăng ký lại khai sinh lập văn bản cam đoan về thông tin của cha, mẹ và xác định nội dung khai sinh theo văn bản cam đoan.
Thứ hai, về cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (XNTTHN): Thông tư quy định trình tự cấp lại Giấy XNTTHN để kết hôn mà người yêu cầu không nộp lại được Giấy XNTTHN đã được cấp trước đó; quy định cụ thể thời hạn sử dụng Giấy XNTTHN: "Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị đến thời điểm thay đổi tình trạng hôn nhân hoặc 06 tháng kể từ ngày cấp, tùy theo thời điểm nào đến trước"; không giới hạn số lượng cấp Giấy XNTTHN để sử dụng vào mục đích khác, không phải để kết hôn nhưng phải ghi rõ mục đích sử dụng "không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn"; không cấp Giấy XNTTHN để kết hôn với người cùng giới tính hoặc kết hôn với người nước ngoài tại Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Thứ ba, về đăng ký nhận cha, mẹ, con: Thông tư quy định cụ thể trình tự tiếp nhận, giải quyết đối với trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật. Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con nhưng hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con.
Đối với việc cung cấp chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con: Thông tư không quy định bắt buộc phải nộp thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con như tại khoản 2, Điều 11 của Thông tư số 15/2015/TT-BTP
Thứ tư, về cấp bản sao trích lục hộ tịch: Điều 23 của Thông tư quy định: "Trường hợp Sổ hộ tịch trước đây ghi tuổi thì cơ quan đăng ký hộ tịch xác định năm sinh tương ứng ghi vào mục Ghi chú của Sổ hộ tịch, sau đó cấp bản sao trích lục hộ tịch"; bổ sung thêm quy định việc cấp bản sao Giấy khai sinh cho người yêu cầu Ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (Điều 22); cấp bản sao trong các trường hợp: tin của cá nhân đã được thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc, ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc trường hợp Sổ đăng ký kết hôn đã ghi chú việc thay đổi hộ tịch theo bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật, ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ ràng hơn cách ghi các mục trong các giấy tờ, Sổ hộ tịch như: mục "Tình trạng hôn nhân" trong Giấy XNTTHN; Trích lục khai tử, Sổ đăng ký khai tử; "Ngày tháng năm đăng ký"; ghi Tên địa danh, tên quốc gia nước ngoài trong các giấy tờ hộ tịch...;
Thứ năm, về quản lý, sử dụng mẫu giấy tờ, sổ hộ tịch: Theo Thông tư, Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ hộ tịch theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP đang sử dụng tại các cơ quan đăng ký hộ tịch được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2020.
Các trường hợp yêu cầu đăng ký hộ tịch khác tiếp nhận kể từ thời điểm Thông tư có hiệu lực thi hành được cấp giấy tờ hộ tịch theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này. Đặc biệt, bản sao Giấy khai sinh sẽ không do các đơn vị tự in, sử dụng mà phải được cấp đúng theo mẫu có hoa văn do Bộ Tư pháp in, phát hành tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 04./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down