Tố cáo có từ xa xưa và gắn liền với sự phát triển của các nhà nước. Việc công dân đứng lên cất cao tiếng nói vạch trần những hành vi vi phạm pháp luật, hành vi tiêu cực, hành vi tham nhũng được Nhà nước ủng hộ và bảo vệ. Tại Việt Nam, quyền tố cáo của công dân được khẳng định là quyền cơ bản của con người trong Hiến pháp năm 2013:“Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân…” Theo Điều 47 Luật Tố cáo năm 2018 quy định bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ). Đồng thời nhiều biện pháp bảo vệ người tố cáo cũng được quy định tại các văn bản pháp luật. Ngày 21/7/2020, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BNV quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức được bảo vệ như sau: - Biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Tố cáo 2018 (Khoản 1 Điều 57 Luật Tố cáo năm 2018 quy định Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức bao gồm : a) Tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ; b) Khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ; c) Xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử; d) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ). - Không thực hiện việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ, trừ các trường hợp sau: + Thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Chương V Nghị định số 59/2019/NĐ-CPngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống, tham nhũng; + Được sự đồng ý của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức; + Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo. - Không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ, trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo. Như vậy sẽ không còn những chuyện kỷ luật, cũng không còn chuyện điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm đối với người tố cáo gây bức xúc xã hội. Việc Bộ Nội vụ ban hành quy định này, hành lang pháp lý bảo vệ người tố cáo thêm vững chắc, toàn diện; chắc chắn mọi người sẽ yên tâm hơn trong cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật. Thông tư số 03/2020/TT-BNV có hiệu lực thi hành từ ngày 05/9/2020.