Sở Tư pháp với vai trò cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản triển khai triển khai thực hiện công tác phòng, chống mua bán người, trong đó đã triển khai hiệu quả các nội dung Chương trình 130/CP của Chính phủ giai đoạn 2016-2020 về đấu tranh phòng, chống mua bán người. Theo đó, hằng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh; trong đó tập trung nội dung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người; các quy định pháp luật mới liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người. Định hướng nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật hằng Quý gắn với tình hình tội phạm mua bán người, địa bàn trọng điểm vi phạm pháp luật, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm để triển khai tuyên truyền, phổ biến hạn chế tội phạm mua bán người xảy ra.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phong trào PCTP, TNXH và XDPTTDBVANTQ tỉnh về triển khai công tác phòng, chống mua bán người, Sở Tư pháp đã tổ chức trên 45 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp tại các xã địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật cho hơn 11.250 lượt người, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác phòng, chống mua bán người, các quy định của Luật phòng, chống mua bán người, pháp luật hình sự, nội dung Chương trình 130/CP và các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người.
Thường xuyên biên soạn và phát hành các loại tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người để cán bộ, người dân tra cứu, tìm hiểu. Năm 2016, Sở Tư pháp biên soạn và phát hành 18.000 tờ gấp các loại, 2.150 cuốn sách tìm, sổ tay tìm hiểu pháp luật. Năm 2017, in 790 cuốn đề cương , 51.000 tờ gấp, 1.430 cuốn sách tìm hiểu pháp luật. Năm 2018, Sở Tư pháp phát hành hơn 700 cuốn Đề cương tuyên truyền pháp luật; 6 đầu sách tìm hiểu pháp luật các loại với số lượng hơn 2.000 cuốn, hơn 60.000 tờ gấp tìm hiểu pháp luật các loại. Năm 2019, Sở Tư pháp phát hành 400 cuốn Đề cương tuyên truyền pháp luật, hơn 1.000 cuốn sách hỏi đáp pháp luật các loại, 9 tháng đầu năm 2020, biên soạn, phát hành 405 cuốn đề cương, 37.800 tờ gấp, 660 sách tìm hiểu pháp luật và tiếp nhận, cấp phát nhiều tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật khác của Bộ Tư pháp cấp.
Phát huy tốt vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc tuyên truyền phòng, chống mua bán người, nhất là phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, quy định pháp luật về phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm mua bán người để Nhân dân cảnh giác, chủ động phòng chống và hỗ trợ các lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý tội phạm mua bán người, Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với Đài Phát thành - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu thực hiện các chuyên mục phổ biến pháp luật. Tổ chức đăng tải văn bản, tài liệu tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp, Trang thông tin điện tử tổng hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Lai Châu về mua bán người tới đông đảo cán bộ, người dân.
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thành công Cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới năm 2016 thu hút hơn 9.000 bài; Hội thi tuyên truyền truyền viên pháp luật giỏi tỉnh Lai Châu năm 2017; Cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh Lai Châu” năm 2019 thu hút 21.502 bài dự thi; Cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Lai Châu thu hút 51.725 bài dự thi với nhiều quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người, phòng, chống tội phạm.
Ngoài ra, các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người được Sở Tư pháp triển khai tuyên truyền thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, khai thác tủ sách pháp luật. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và các quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người nói riêng.
Có thể thấy, việc triển khai thực hiện Chương trình 130/CP giai đoạn 2016-2020 đã được Sở Tư pháp triển khai, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống mua bán người của Sở Tư pháp đã bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành; phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể; phát huy tích cực vai trò, trách nhiệm của cơ quan Thường trực Hội đồng hối hợp PBGDPL tỉnh qua đó góp phần nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trong tỉnh đối với công tác phòng, chống mua bán người, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương, góp phần chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã được triển khai thiết thực, hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình còn một số những tồn tại, hạn chế như: Nguồn kinh phí dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và kinh phí thực hiện tuyên truyền phòng chống mua bán người nói riêng vẫn còn hạn chế; dẫn đến việc tổ chức các hoạt động, hình thức biện pháp tuyên truyền, phổ biến còn ít, sức lan tỏa chưa sâu rộng, thường xuyên. Hoạt động phối hợp triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật giữa các cơ quan, đơn vị đã được thực hiện song còn chưa được thường xuyên, hiệu quả cao.
Trước tình hình tội phạm mua bán người diễn ra ngày càng có chiều hướng phức tạp, để góp phần ngăn chặn, phòng ngừa và triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tiếp theo, đồng chí Lê Thanh Hải – Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Sở Tư pháp sẽ tiếp tục xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác phòng, chống mua bán người gắn với thực tế, tình hình giai đoạn mới; chủ động tham mưu, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, huy động cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người; đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, vận động nhằm phòng ngừa sự gia tăng của tội phạm mua bán người, đặc biệt là tội phạm mua bán người có tổ chức, xuyên quốc gia”.