Về điểm cầu Lai Châu có đồng chí Chu Lê Chinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; các phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp...
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe triển khai một số nội dung: Giới thiệu và quán triệt những nội dung mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); Quán triệt triển khai Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL và Quyết định số 1995/QĐ-BTP ngày 25/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL của Bộ Tư pháp.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Luật Ban hành văn bản QPPL (sau đây gọi là Luật năm 2020) sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật so với Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sau đây gọi là Luật năm 2015).
Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung cơ bản, nổi bật như: Bổ sung nội dung thẩm định, thẩm tra phải bảo đảm “Sự phù hợp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản và nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước”. Việc sửa đổi những điều này nhằm tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bổ sung hình thức nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào khoản 3 Điều 4 của Luật năm 2015. Bổ sung vào Điều 18 quy định về nội dung ban hành nghị quyết liên tịch để “hướng dẫn một số vấn đề cần thiết trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân”. Sửa đổi, bổ sung Điều 109 quy định về việc xây dựng, ban hành nghị quyết liên tịch, trong đó bổ sung quy trình xây dựng, ban hành nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật năm 2015; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật; tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL, nhất là trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Pháp lệnh, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị: HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo tăng cường quán triệt, nghiên cứu, tập huấn những quy định mới của Luật Ban hành văn bản QPPL trong đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác xây dựng pháp luật, nhất là công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật của địa phương; quan tâm chỉ đạo việc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức hiệu quả các văn bản liên quan đến công tác xây dựng văn bản của từng địa phương; rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, quy chế nội bộ về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương nhằm phát huy vai trò trách nhiệm của từng cơ quan; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật... góp phần nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật ở địa phương.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu (http://laichau.gov.vn/)
Quỳnh Trang
Ý kiến bạn đọc