Đề nghị gia hạn việc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở” đến hết năm 2025
Để hòa giải ở cơ sở khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội, trước hết phải có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp trong việc củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở.
Bộ Tư pháp vừa ban hành Báo cáo số 183/BC-BTP ngày 26/6/2023 về tổng kết thực hiện Đề án “Tổng kết thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”. Ở Trung ương, để trang bị tài liệu về kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên và trang bị kỹ năng về phương pháp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện, trong năm 2020, Bộ Tư pháp đã chủ trì tiến hành biên soạn, phát hành Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở dành cho đội ngũ hòa giải viên (ban hành kèm theo Quyết định số 1852/QĐ-BTP ngày 01/9/2020); Tài liệu bồi dưỡng tập huấn viên về hòa giải ở cơ sở (ban hành kèm theo Quyết định số 1887/QĐ-BTP ngày 09/9/2020) và Tài liệu tập huấn mẫu kỹ năng hòa giải ở cơ sở (dành cho tập huấn viên). Nhằm xây dựng đội ngũ tập huấn viên có đủ trình độ, kiến thức, kỹ năng tập huấn, góp phần nâng cao hiệu quả, tính chuyên môn hóa trong công tác tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên, ngoài việc phát hành Tài liệu bồi dưỡng tập huấn viên hòa giải ở cơ sở, Tài liệu tập huấn mẫu dành cho tập huấn viên, các bài giảng điện tử về phương pháp, cách thức tập huấn, Bộ Tư pháp đã tổ chức 03 Hội nghị tập huấn về phương pháp và kỹ năng tập huấn về hòa giải ở cơ sở cho tập huấn viên cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, tận dụng nguồn lực huy động từ tổ chức quốc tế (Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam), Bộ Tư pháp đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho tập huấn viên cấp tỉnh về kỹ năng sử dụng phương pháp tập huấn hiện đại, lấy người học là trung tâm, tạo cảm hứng trong buổi tập huấn, bồi dưỡng. Bộ Tư pháp đã xây dựng 02 bài giảng điện tử về phương pháp, cách thức tổ chức tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên. Bài giảng điện tử này được đăng tải trên Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã trực tiếp hỗ trợ nhiều lượt báo cáo viên của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật cho các địa phương để hướng dẫn, tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện
Tại địa phương, hàng năm, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều tổ chức và hướng dẫn Phòng Tư pháp cấp huyện tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho các hòa giải viên. Nhiều địa phương có số lượng hòa giải viên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cao như tỉnh An Giang, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Đồng Tháp, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh
Mặt khác, để nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ hòa giải viên, các địa phương còn có nhiều cách làm sáng tạo như tổ chức hội thi Hòa giải viên giỏi; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật cho Hòa giải viên; ban hành Quy định tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng về hoạt động hòa giải ở cơ sở (tỉnh Tây Ninh); duy trì nề nếp, mỗi tháng từng tổ hòa giải họp một lần và định kỳ 3 tháng, cán bộ theo dõi công tác hòa giải của xã họp giao ban cùng các tổ hòa giải trong xã để trao đổi nghiệp vụ và nắm bắt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước mới ban hành; tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với dự án M-Score, chương trình phòng, chống tội phạm ma túy lồng ghép bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tại Thành phố Cần Thơ, tùy tình hình địa bàn mỗi quận, huyện, hoạt động tập huấn được chia nhỏ thành nhiều lớp thay vì tổ chức tập trung thành 01 lớp; trong từng đợt tập huấn, Sở Tư pháp mời đại diện ngành Tòa án, ngành Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia trao đổi, giải đáp những vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý mà hòa giải viên thường gặp phải trong quá trình thực hiện hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; hoặc tổ chức diễn đàn lồng ghép thành 01 chuyên đề trong đợt tập huấn…
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở được Bộ Tư pháp, các cơ quan Tư pháp địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Các tài liệu cũng như những hoạt động về hòa giải ở cơ sở của trung ương và địa phương được cập nhật thường xuyên, liên tục trên Trang/Cổng thông tin điện tử, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, khai thác và sử dụng của cán bộ, công chức, người dân và nhất là đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Năm 2020, 2021, trong tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, Bộ Tư pháp và nhiều địa phương trên cả nước đã tiến hành tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ tập huấn viên, hòa giải viên thông qua các bài giảng điện tử hoặc bằng hình thức trực tuyến trên phần mềm Google meet, Zoom meeting… Với hình thức này, các tập huấn viên, hòa giải viên kết nối, tương tác với nhau qua các phần mềm trực tuyến được thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí tổ chức, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các xã, phường, thị trấn thuộc các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, như: tăng cường tổ chức các hội thi trực tuyến hòa giải viên giỏi, hội thi xử lý tình huống về hòa giải ở cơ sở... Tại tỉnh Bình Phước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Đài truyền thanh cùng cấp tổ chức phát sóng chuyên mục giải đáp pháp luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản liên quan.
Ngoài ra, tại các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp, các tập huấn viên đã ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng, theo đó, bài giảng có sự kết hợp giữa hình ảnh, video, biểu đồ… tạo sự sống động, hấp dẫn, thú vị, thu hút người học.
Bên cạnh đó, các thông tin về pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn về công tác hòa giải ở cơ sở đã được Bộ Tư pháp, địa phương cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời trên Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật, hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Đặc biệt, Bộ Tư pháp và một số Sở Tư pháp đã xây dựng và đưa vào hoạt động Zalo Official Account “Phổ biến, giáo dục pháp luật”, “Hòa giải cơ sở”; Trang Facebook “Phổ biến, giáo dục pháp luật” nhằm tạo kênh thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật được nhanh chóng, kịp thời. Theo đó, đăng tải nhiều tin bài (bài viết, tin, Infographic, video clip…) lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về lĩnh vực hòa giải ở cơ sở.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, nhìn chung, hoạt động triển khai Đề án đã đạt được những kết quả quan trọng; các hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện đã bám sát mục tiêu, phạm vi, nhiệm vụ, đối tượng của Đề án. Bộ Tư pháp và các cơ quan Tư pháp địa phương đã chủ động, linh hoạt tổ chức thực hiện Đề án phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Các cơ quan tư pháp đã chú trọng xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ tập huấn viên, hòa giải viên. Việc triển khai thực hiện Đề án đã góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của hòa giải viên, từ chỗ các hòa giải viên trước đây khi tham gia hòa giải còn chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, mặc dù được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ hàng năm nhưng khi áp dụng vào thực tiễn đôi lúc còn lúng túng, chưa có chiều sâu,… Sau thời gian triển khai Đề án, theo đánh giá của các địa phương, các hòa giải viên thực hiện trách nhiệm hơn, tâm huyết hơn, nghiên cứu giải quyết thấu tình, đạt lý, tạo được sự đồng thuận của các bên tham gia hòa giải. Việc biên soạn, phát hành các loại tài liệu pháp luật và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở được các địa phương quan tâm thực hiện thường xuyên, đều đặn hơn, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tập huấn, bồi dưỡng; kinh phí bố trí cho công tác hòa giải ở cơ sở cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Một số địa phương cũng đã chủ động, tích cực huy động được các nguồn lực xã hội hóa cho công tác hòa giải ở cơ sở. Nhiều mô hình hòa giải sáng tạo, sử dụng linh hoạt phương pháp, cách thức hòa giải để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải được áp dụng, tỷ lệ vụ, việc hòa giải thành tăng; từ đó khẳng định được vị trí, vai trò của công tác này trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương.
Có được kết quả này, trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cho công tác hòa giải ở cơ sở (ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện, đầu tư nguồn lực, kinh phí…); công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện của hệ thống cơ quan tư pháp từ Trung ương đến cơ sở, sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp với cơ quan, đơn vị có liên quan cùng cấp trong quá trình triển khai nhiệm vụ, nhất là sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Một số địa phương báo cáo cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đề án đề ra, như: tỉnh An Giang, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Sơn La, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Kiên Giang…
Bên cạnh đó, một số mục tiêu của Đề án chưa đạt được. Đề án đề ra mục tiêu “100% đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu để hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở; 100% hòa giải viên tại các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của Trung ương được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải”. Thực tế, khi Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, hầu hết các địa phương cử không đủ tập huấn viên cấp tỉnh tham dự; việc tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên tại các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của Trung ương chỉ đạt 50%.
Chưa xây dựng được cơ chế hướng dẫn, khuyến khích đội ngũ Luật sư, Luật gia, người đang và đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, Thẩm tra viên trong cơ quan tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn đang thường trú ở cơ sở tham gia làm hòa giải viên hoặc hỗ trợ pháp lý cho tổ hòa giải ở cơ sở.
Việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai, tham mưu và tổ chức thực hiện Đề án ở một số địa phương còn chậm. Việc triển khai Đề án chủ yếu do cơ quan tư pháp thực hiện, chưa phát huy được sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành có liên quan (như cơ quan dân vận, Tòa án nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận).
Mặc dù năng lực và kỹ năng của hòa giải viên đã được nâng cao hơn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới. Về cơ bản, hòa giải viên chưa hòa giải thành các vụ, việc tranh chấp phức tạp, tranh chấp tài sản có giá trị lớn và các vi phạm pháp luật thuộc trường hợp được hòa giải…
Để hòa giải ở cơ sở khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội, trước hết phải có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp trong việc củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Thực tế đã cho thấy, ở địa phương nào có nhận thức đúng đắn, quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó, hiệu quả công tác này đạt cao.
Cần thực hiện tốt công tác bầu hòa giải viên, đảm bảo lựa chọn những người có uy tín, có kiến thức pháp luật, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, có tinh thần trách nhiệm, khả năng vận động, thuyết phục. Bên cạnh đó, cần huy động sự tham gia của Nhân dân, nhanh chóng phát hiện các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp để kịp thời tiến hành hòa giải, hạn chế việc để mâu thuẫn kéo dài, trầm trọng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Phát huy tính tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; tiếp tục gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân nhân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở khu dân cư.
Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tập huấn, bồi dưỡng một cách linh hoạt, phù hợp với đối tượng, địa bàn; xác định đúng nhu cầu của đối tượng để lựa chọn hình thức, nội dung tập huấn, bồi dưỡng phù hợp.
Nâng cao năng lực, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên theo hướng từng bước chuyên nghiệp hóa. Cần có cơ chế thỏa đáng cho đội ngũ này.
Tăng cường truyền thông về công tác hòa giải ở cơ sở, về gương hòa giải viên tiêu biểu, điển hình để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác này, từ đó sử dụng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống.
Cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thỏa đáng cho đội ngũ hòa giải viên. Phải khẳng định rằng, hoạt động hòa giải của hòa giải viên ở cơ sở là hàn gắn những mối quan hệ xã hội đã bị phá vỡ, mang lại hạnh phúc, sự bình yên cho từng gia đình, khu dân cư, cộng đồng. Việc hòa giải kịp thời đã không để những tranh chấp bùng phát thành “điểm nóng”, sự việc nghiêm trọng, giữ gìn an ninh trật tự. Để làm được điều đó, hòa giải viên mất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu vụ việc, hướng dẫn, giải thích quyền và nghĩa vụ cho mỗi bên, động viên, khuyến khích các bên hợp tác hòa giải... Do đó, cũng rất cần được “hỗ trợ” về vật chất để động viên và khích lệ đội ngũ hòa giải viên.
Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến trong công tác hòa giải ở cơ sở; quan tâm tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên thông qua các buổi họp, sinh hoạt tổ hòa giải, hội thi; kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả.
Bộ Tư pháp đề nghị trong thời gian tới tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở, tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của Luật đối với thực tiễn xã hội; tổ chức Hội thi hòa giải viên toàn quốc lần thứ IV nhằm tạo diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên cả nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Xác định công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền nhằm góp phần tích cực vào việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư, khu dân cư.
Bộ Tư pháp đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép gia hạn việc thực hiện Đề án đến hết năm 2025.