Thứ năm, 21/11/2024, 07:16

Hướng dẫn xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia

Thứ ba - 16/05/2023 22:23 492 0
Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BKHCN hướng dẫn xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Điều lệ Quỹ). Thông tư này áp dụng đối với Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (sau đây viết tắt là Quỹ), doanh nghiệp tham gia các hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ (sau đây viết tắt là doanh nghiệp) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về nguyên tắc xử lý rủi ro, Thông tư quy định như sau:
1- Việc xử lý rủi ro phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
2- Việc xem xét xử lý rủi ro phải căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến rủi ro, mức độ rủi ro, tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp, có đầy đủ hồ sơ, văn bản, tài liệu theo quy định tại Thông tư này và Điều lệ Quỹ.
3- Việc xử lý rủi ro được thực hiện theo hướng giảm thiệt hại tối đa cho Nhà nước và gắn trách nhiệm của Quỹ, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thu hồi khoản cho vay của Quỹ.
4- Việc lựa chọn biện pháp xử lý rủi ro được thực hiện theo thứ tự ưu tiên, biện pháp nào không gây mất vốn hoặc ít gây mất vốn nhà nước thì được cân nhắc thực hiện trước.
5- Một khoản nợ có thể áp dụng một hoặc đồng thời nhiều biện pháp xử lý rủi ro được quy định tại Thông tư này.
6- Tỷ lệ chấp nhận rủi ro của Quỹ thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Điều lệ Quỹ và dưới 5% tại thời điểm kết thúc năm tài chính. Trường hợp tỷ lệ chấp nhận rủi ro của Quỹ từ 5% trở lên, Quỹ báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ để xử lý theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 31 Điều lệ Quỹ.
Về phạm vi xử lý nợ bị rủi ro:
Doanh nghiệp vay vốn tại Quỹ có tài sản bảo đảm theo quy định gặp rủi ro, Quỹ được quyền chủ động xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận với doanh nghiệp và theo quy định của pháp luật để thu hồi vốn. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm dùng để bù đắp chi phí xử lý tài sản bảo đảm; hoàn trả nợ gốc, nợ lãi cho Quỹ.
Doanh nghiệp vay vốn tại Quỹ mà tài sản bảo đảm có mua bảo hiểm nếu bị tổn thất thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm. Khoản tiền bồi thường của cơ quan bảo hiểm được dùng để hoàn trả nợ gốc, nợ lãi cho Quỹ.
Doanh nghiệp vay vốn tại Quỹ bị phá sản thì thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
Các trường hợp được xem xét xử lý rủi ro như sau:
Doanh nghiệp bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, thảm họa, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, chiến tranh, tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Doanh nghiệp gặp rủi ro trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân và chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (đối với chủ sở hữu là cá nhân) bị mất năng lực hành vi dân sự, bị chết, mất tích, không còn tài sản để trả nợ; doanh nghiệp đã dừng hoạt động, không còn tài sản và khả năng tài chính để trả nợ; doanh nghiệp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khác bao gồm cả việc gặp tai nạn bất ngờ, rủi ro chính trị, thay đổi chính sách của Nhà nước làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến hoạt động thua lỗ, tình hình tài chính khó khăn, không có khả năng hoặc không trả được nợ (gốc, lãi).
Doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa có khả năng trả được nợ hoặc không trả được nợ mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Doanh nghiệp đã hoàn thành việc phá sản theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thông tư cũng quy định cụ thể về xóa nợ gốc cho doanh nghiệp vay vốn từ Quỹ như sau:
- Doanh nghiệp gặp rủi ro thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư này được xem xét xóa nợ gốc.
- Quỹ đề nghị xóa nợ gốc của doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư này; Sử dụng vốn vay đúng mục đích ghi trong hợp đồng; Khoản nợ của doanh nghiệp đã hoặc chưa được áp dụng biện pháp xử lý rủi ro quy định tại các điều 12, 13 Thông tư này để thu hồi nợ gốc, nhưng doanh nghiệp vẫn còn phần nợ gốc còn lại chưa thu hồi được; Có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Thông tư này.
- Một khoản nợ gốc chỉ được xóa 01 lần.
- Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xóa nợ gốc, mức xóa nợ gốc trong trường hợp xóa nợ gốc không làm giảm vốn điều lệ của Quỹ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 31 Điều lệ Quỹ. Trường hợp xóa nợ gốc làm giảm vốn điều lệ của Quỹ, Giám đốc Quỹ trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xóa nợ gốc, mức xóa nợ gốc theo quy định tại điểm a, b, c, e khoản 1, điểm a khoản 4 Điều 31 Điều lệ Quỹ.
- Quỹ chuẩn bị hồ sơ đề nghị xóa nợ gốc bao gồm: Văn bản đề xuất xử lý rủi ro của Quỹ gồm các nội dung cơ bản: Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình trả nợ (gốc, lãi) theo hợp đồng, rủi ro xảy ra, nguyên nhân dẫn đến rủi ro, mức thiệt hại về vốn và tài sản xảy ra đối với doanh nghiệp, giá trị ghi sổ kế toán của khoản nợ. Văn bản đề xuất xử lý rủi ro phải nêu rõ tình hình thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, các biện pháp xử lý rủi ro đã được áp dụng và kết quả thực hiện (nếu có) và đề xuất biện pháp xử lý rủi ro cần được áp dụng; Biên bản xác nhận mức thiệt hại về vốn và tài sản của doanh nghiệp (không cần có xác nhận của doanh nghiệp); Kiến nghị việc xử lý rủi ro cho một phần hay toàn bộ giá trị ghi sổ kế toán của khoản nợ; Quyết định của Cơ quan thi hành án về việc thi hành quyết định tuyên bố bị phá sản; Các văn bản, tài liệu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
- Giám đốc Quỹ có trách nhiệm tổ chức việc thẩm định, đánh giá về rủi ro; xem xét mức thiệt hại về vốn và tài sản xảy ra đối với doanh nghiệp; lập báo cáo xử lý rủi ro; xin ý kiến của Hội đồng xử lý rủi ro về biện pháp xử lý rủi ro, trình cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý rủi ro. Sau khi có quyết định áp dụng biện pháp xử lý rủi ro, Giám đốc Quỹ tổ chức thực hiện xóa nợ gốc.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down