Chủ nhật, 17/11/2024, 17:19

Nguyên tắc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước

Thứ tư - 15/05/2024 22:32 412 0
Ngày 16 tháng 5 năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước.
Thông tư này quy định chi tiết thi hành khoản 1 Điều 9 của Luật Tài nguyên nước về thẩm định và nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước theo dự án, đề án (sau đây gọi tắt là dự án) sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và khoản 5 Điều 83 của Luật Tài nguyên nước về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước.
Các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này gồm: Hoạt động kiểm tra phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước của lực lượng Công an nhân dân; Thẩm định, phê duyệt đề cương dự án; thẩm định, nghiệm thu hạng mục công việc trong quá trình thực hiện dự án; thẩm định, phê duyệt quyết toán dự án; kiểm định xây dựng, máy móc, thiết bị đo đạc, quan trắc về tài nguyên nước.
Nguyên tắc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước như sau: Tuân thủ theo pháp luật; dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; kịp thời, chính xác; Thực hiện theo kế hoạch kiểm tra; theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm; Có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, thời gian và đối tượng với hoạt động thanh tra, kiểm tra cùng lĩnh vực; không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra.
Hình thức và nội dung kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước
Kiểm tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt. Kế hoạch kiểm tra bao gồm kế hoạch kiểm tra của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Y tế và kế hoạch kiểm tra của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Kiểm tra đột xuất được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau: 
1- Có chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
2- Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tài nguyên nước qua thông tin, số liệu quan trắc, giám sát, báo cáo của tổ chức, cá nhân, gồm: thông tin, dữ liệu quan trắc, giám sát từ Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; hệ thống theo dõi, vận hành hồ chứa của cơ quan quản lý; báo cáo định kỳ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của tổ chức, cá nhân; thông tin số liệu thu được trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép khai thác tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, thăm dò nước dưới đất và hồ sơ kê khai, điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước hoặc trong quá trình tiếp nhận kê khai, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các nguồn thông tin khác của cơ quan quản lý có liên quan;
3- Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; sụt, lún đất; gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân;
4- Phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, các phương tiện truyền thông, thông tin và các nguồn thông tin khác.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này xác định nội dung kiểm tra trong kế hoạch kiểm tra hằng năm phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước.
Nguyên tắc thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước được quy định như sau:
Kết quả thẩm định, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước là căn cứ để thẩm định, phê duyệt kết quả và quyết toán dự án hoàn thành.
Kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước sau khi thẩm định, nghiệm thu phải được cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, nộp lưu trữ theo quy định.
Thực hiện thẩm định, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước dựa trên đề cương dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh và căn cứ vào quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật của dự án, kế hoạch, tiến độ thực hiện; đảm bảo khách quan, trung thực, các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước đối với các tài liệu, số liệu mật, bí mật nhà nước và pháp luật có liên quan.
Thời gian thẩm định, nghiệm thu phải phù hợp với kế hoạch dự toán và tiến độ nghiệm thu quyết toán dự án theo quy định.
Các dự án có hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, khuyến khích áp dụng việc thẩm định, nghiệm thu theo quy định tại Thông tư này.
Trình tự, thời gian thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước được quy định như sau:
- Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ thẩm định, nghiệm thu;
- Tiến hành thẩm định, nghiệm thu;
- Cơ quan thực hiện dự án bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, gửi cơ quan tổ chức thẩm định, nghiệm thu để rà soát, nghiệm thu dự án.
Trường hợp hồ sơ chưa bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo theo ý kiến thẩm định thì cơ quan tổ chức thẩm định, nghiệm thu gửi văn bản yêu cầu cơ quan chủ trì thực hiện dự án tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện để nghiệm thu kết quả, cơ quan tổ chức thẩm định, nghiệm thu ban hành biên bản theo Mẫu số 16 ban hành kèm Thông tư này.
- Cơ quan tổ chức thẩm định, nghiệm thu dự án gửi hồ sơ kết quả thẩm định, nghiệm thu đến cơ quan tổ chức thực hiện dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước để chỉ đạo việc thẩm định, phê duyệt kết quả và quyết toán dự án hoàn thành, cơ quan chủ trì thực hiện dự án để thực hiện. 
- Khảo sát, xác minh tại thực địa
- Trên cơ sở hồ sơ đề nghị thẩm định, nghiệm thu kết quả dự án, cơ quan tổ chức thẩm định, nghiệm thu quyết định thời gian thẩm định, nghiệm thu phải đảm bảo phù hợp với quy mô, tính chất dự án, với kế hoạch dự toán và tiến độ nghiệm thu quyết toán dự án theo quy định.
Về hồ sơ đề nghị thẩm định, nghiệm thu được gửi về các cơ quan tổ chức thẩm định, nghiệm thu theo thẩm quyền quy định tại Điều 21 của Thông tư này. Thành phần hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị thẩm định, nghiệm thu.
- Báo cáo thuyết minh tổng hợp kết quả dự án và báo cáo tóm tắt.
- Các sản phẩm khác theo đề cương phê duyệt.
- Các tài liệu khác kèm theo: đề cương dự án; các văn bản pháp lý liên quan đến việc chỉ đạo thực hiện, phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung dự án; các văn bản, quyết định về giao, đặt hàng hoặc hợp đồng (nếu có); các văn bản phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh dự toán hằng năm; các hồ sơ thi công, các biên bản thẩm định tại thực địa, biên bản kiểm tra (nếu có); hồ sơ nghiệm thu hằng năm, nghiệm thu các cấp (nếu có); các tư liệu, dữ liệu về ảnh chụp thực địa, các video, các sổ theo dõi và các tư liệu khác có liên quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down