Thứ hai, 18/11/2024, 01:23

Quy định mới về thăm dò và phân cấp trữ lượng, tài nguyên các mỏ cát biển

Thứ tư - 11/09/2024 22:10 355 0
Bộ Tài nguyên và môi trường vừa qua đã ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về thăm dò và phân cấp trữ lượng, tài nguyên các mỏ cát biển.
Theo đó, Thông tư quy định, tiêu chí, phân loại, mức độ đánh giá cấp trữ lượng, cấp tài nguyên cát biển thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Thông tư số 60/2017/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn.
Phân chia nhóm mỏ thăm dò
- Việc phân chia nhóm mỏ thăm dò được thực hiện trên cơ sở hình dạng, kích thước thân cát, mức độ phức tạp về cấu trúc địa chất mỏ, địa hình đáy biển, mức độ biến đổi chiều dày và thành phần hạt, điều kiện địa chất, khai thác và các chỉ số định lượng đánh giá mức độ biến đổi của các thông số khác.
- Mỏ cát biển được phân chia thành 03 nhóm mỏ: nhóm mỏ đơn giản (nhóm mỏ I); Nhóm mỏ tương đối phức tạp (nhóm mỏ II); Nhóm mỏ phức tạp (nhóm III).
- Việc xếp nhóm mỏ thăm dò quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
Yêu cầu về công tác thăm dò
- Tuân thủ nguyên tắc tuần tự, từ khái quát đến chi tiết, từ trên mặt đến dưới sâu, từ đo vẽ bản đồ tỷ lệ nhỏ đến đo vẽ bản đồ tỷ lệ lớn.
- Thu thập đầy đủ các số liệu, tài liệu địa chất phục vụ công tác đánh giá chất lượng, trữ lượng và điều kiện khai thác mỏ làm cơ sở nghiên cứu dự án đầu tư khai thác mỏ.
- Việc thu thập, thành lập tài liệu nguyên thủy trong thăm dò cát biển thực hiện theo quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về thu thập, thành lập tài liệu nguyên thủy trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và thăm dò khoáng sản.
- Nhiệm vụ của thăm dò các mỏ cát biển: Xác định chi tiết về cấu trúc địa chất mỏ, đặc điểm phân bố, hình dạng của thân cát biển; xác định thành phần thạch học, khoáng vật và đánh giá đặc điểm phân bố khoáng vật trong cát; lấy mẫu xác định thành phần hạt, xác định tính chất cơ lý và thành phần các vật chất có ích, có hại đi kèm trong thân cát biển; Đánh giá đầy đủ chất lượng và xác định hệ số thu hồi cát biển theo lĩnh vực sử dụng và khả năng thu hồi các thành phần có ích trong cát biển (nếu có); Đánh giá điều kiện thuỷ - thạch động lực, các yếu tố tác động đến môi trường biển, hệ sinh thái, tai biến địa chất.
- Công tác thăm dò được thực hiện trên toàn bộ diện tích thăm dò và chiều sâu phân bố cát biển bằng tổ hợp các phương pháp chủ yếu: trắc địa; địa chất; địa vật lý; quan trắc thuỷ - thạch động lực; địa chất môi trường, tai biến địa chất; xây dựng mô hình số trị; công trình thăm dò; lấy và gia công mẫu; phân tích mẫu bằng các phương pháp: hóa học, cơ lý; xác định khả năng, lĩnh vực sử dụng cát biển; công nghệ khai thác, tuyển, rửa cát biển.
- Yêu cầu về công trình thăm dò: Việc lựa chọn loại công trình thăm dò (khoan máy, ống phóng rung) căn cứ vào độ sâu mực nước, điều kiện địa chất, điều kiện thi công, tính năng kỹ thuật của thiết bị; Mật độ định hướng các công trình thăm dò các mỏ cát biển và yêu cầu kỹ thuật thi công tham khảo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
- Tỷ lệ lấy mẫu trong công trình thăm dò phải đạt ≥ 75%.
Yêu cầu về công tác trắc địa
- Đo vẽ bản đồ độ sâu đáy biển trong khu vực thăm dò ở tỷ lệ theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư này.
- Nội dung công tác trắc địa bao gồm: định vị, dẫn đường và đo sâu phục vụ công tác khảo sát địa vật lý; đo sâu theo tuyến bằng máy đo sâu hồi âm; xác định tọa độ và độ sâu điểm lấy mẫu (trạm khảo sát địa chất, công trình khoan máy, ống phóng rung, trạm quan trắc…); quan trắc mực nước biển (mực nước thủy triều); lập lưới khống chế toạ độ và độ cao; lập bản đồ độ sâu đáy biển.
- Tất cả các công trình thăm dò phải xác định tọa độ, độ cao theo hệ tọa độ quốc gia, tuân thủ quy định, quy trình kỹ thuật hiện hành.
- Tỷ lệ bản đồ độ sâu đáy biển: Nhóm mỏ đơn giản phải thành lập bản đồ độ sâu đáy biển tối thiểu ở tỷ lệ 1: 10 000; Nhóm mỏ tương đối phức tạp và nhóm mỏ phức tạp phải thành lập bản đồ độ sâu đáy biển ở tỷ lệ 1: 5 000.
Yêu cầu về nghiên cứu hiện trạng địa chất môi trường, tai biến địa chất
- Đối với trầm tích tầng mặt: Xác định thành phần trầm tích, màu sắc, mùi vị, khả năng chứa độc tố, đo các thông số cơ bản về môi trường trầm tích đáy; thành phần và tỷ lệ sinh vật bám đáy; Lấy mẫu đại diện để đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường trầm tích (theo QCVN 43:2017/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng trầm tích, được ban hành tại Thông tư số 78/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường).
- Đối với môi trường nước biển: Xác định dấu hiệu ô nhiễm do hoạt động nhân sinh (váng dầu, rác thải, chất thải khác,…), đánh giá khả năng phát tán theo chế độ thủy hải văn; Đo đạc thu thập các thông số; lấy mẫu nước đại diện để đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường nước (theo QCVN 10:2023/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển, được ban hành tại Thông tư số 01/2023/TT- BTNMT ngày 13 tháng 3 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường).
- Thu thập hoặc khảo sát hiện trạng tai biến địa chất, trong đó có các hiện tượng xói lở bờ biển, bồi lấp luồng lạch, sụt lún, ô nhiễm môi trường, cát chảy, xói mòn, sạt lở bậc thềm.
- Thu thập hoặc quan trắc môi trường kết hợp với công tác quan trắc chế độ thủy - thạch động lực.
- Dự báo các khu vực có khả năng ô nhiễm môi trường khi khai thác cát biển; đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong và sau khai thác.
Yêu cầu về công tác tính trữ lượng và tài nguyên
- Phương pháp tính trữ lượng, tài nguyên các mỏ cát biển phải được lựa chọn phù hợp với đặc điểm địa chất mỏ và trên cơ sở phân tích các yếu tố ảnh hưởng quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này.
- Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp tính trữ lượng, tài nguyên các mỏ cát biển: hình thái thân cát; chiều dày và mức độ biến đổi của chúng; thành phần hạt và mức độ biến đổi của chúng; yếu tố kiến tạo và thế nằm thân cát; mạng lưới công trình thăm dò; phương pháp khai thác dự kiến.
- Các phương pháp tính trữ lượng và tài nguyên các mỏ cát biển: phương pháp khối địa chất; phương pháp mặt cắt song song thẳng đứng hoặc sử dụng các phần mềm chuyên dụng tính trữ lượng khoáng sản đang được sử dụng trên thế giới và ở Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2024. Trường hợp văn bản dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down