Quy định một số nội dung về thanh tra chuyên ngành Công Thương
Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 15/2024/TT-BCT ngày 06 tháng 9 năm 2024 quy định một số nội dung về thanh tra chuyên ngành Công Thương.
Theo đó, Thông tư số 15/2024/TT-BCT quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Công Thương; chế độ bồi dưỡng đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Công Thương; cấp trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành Công Thương và một số nội dung khác về thanh tra chuyên ngành Công Thương.
Đối tượng áp dụng theo Thông tư này gồm Thanh tra Bộ Công Thương; các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Công Thương; Chánh Thanh tra Bộ Công Thương, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Công Thương (sau đây gọi chung là Thủ trưởng cơ quan); người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Công Thương và đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành Công Thương
Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt Kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành hằng năm.
Trên cơ sở Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được phê duyệt, Vụ Tổ chức cán bộ thông báo tới các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về Kế hoạch mở lớp và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt danh sách tham gia bồi dưỡng.
Thanh tra Bộ chủ trì xây dựng nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và những đối tượng khác tham gia hoạt động thanh tra chuyên ngành gồm: Quy định của pháp luật về thanh tra chuyên ngành; Giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng chống tham nhũng; Cập nhật những quy định mới của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Những quy định khác có liên quan.
Hình thức, trình tự, thủ tục cấp Thẻ
- Về hình thức cấp Thẻ
+ Cấp mới: Đối với người đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 Thông tư này và được Thủ trưởng cơ quan phân công thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành;
+ Cấp lại: Thẻ bị mất, hỏng không thể sử dụng được; có sự thay đổi thông tin ghi trên Thẻ. Thẻ được cấp lại có thời hạn sử dụng và mã số Thẻ như Thẻ đã được cấp trước đó.
- Trình tự, thủ tục cấp Thẻ
+ Hồ sơ cấp Thẻ: Công văn đề nghị đề nghị cấp Thẻ của Thủ trưởng cơ quan gửi Thanh tra Bộ Công Thương; Danh sách đề nghị cấp Thẻ; 02 (hai) ảnh chân dung người được đề nghị cấp thẻ chụp trên nền trắng (cỡ 20mm x 30mm) trong thời hạn 06 tháng có ghi rõ họ tên, đơn vị công tác phía sau ảnh.
Trường hợp đề nghị cấp lại Thẻ do bị mất, người được đề nghị cấp lại Thẻ phải có văn bản giải trình và được xác nhận của cơ quan công tác.
Trường hợp Thẻ bị hỏng, phải gửi kèm theo Thẻ trong hồ sơ đề nghị cấp lại Thẻ.
+ Thời điểm xét duyệt cấp Thẻ: Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị cấp Thẻ về Thanh tra Bộ trước ngày 25 tháng 3 và trước ngày 25 tháng 9 hằng năm. Chánh Thanh tra Bộ quyết định cấp Thẻ vào tháng 4 và tháng 10 hằng năm.
Trong trường hợp do yêu cầu của công việc, Chánh Thanh tra Bộ xem xét, quyết định cấp Thẻ theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
- Thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm về điều kiện, tiêu chuẩn của người được đề nghị cấp Thẻ.
- Đơn vị làm công tác tổ chức cán bộ thuộc cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Công Thương có trách nhiệm tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan các nội dung có liên quan đến việc cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ, đề nghị thu hồi Thẻ.
Một số nội dung khác về thanh tra chuyên ngành Công Thương
- Về Kế hoạch thanh tra hằng năm
+ Việc ban hành Kế hoạch thanh tra hằng năm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2024/TT-TTCP ngày 08 tháng 4 năm 2024 của Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng Chương trình thanh tra và ban hành Kế hoạch thanh tra.
+ Việc điều chỉnh Kế hoạch thanh được thực hiện khi có căn cứ theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 04/2024/TT-TTCP. Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Tổng cục Quản lý thị trường gửi đề nghị điều chỉnh Kế hoạch thanh tra tới Tổng cục Quản lý thị trường tổng hợp và gửi Thanh tra Bộ xem xét, trình Bộ trưởng quyết định. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng giao Chánh Thanh tra Bộ thừa lệnh Bộ trưởng ký Quyết định điều chỉnh Kế hoạch thanh tra hằng năm đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư số 04/2024/TT-TTCP.
+ Cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho đối tượng thanh tra về Kế hoạch thanh tra, điều chỉnh Kế hoạch thanh tra chậm nhất 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định phê duyệt hoặc Quyết định điều chỉnh Kế hoạch thanh tra.
- Thủ trưởng cơ quan giao nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành cho đơn vị trực thuộc
+ Tại Tổng cục Quản lý thị trường: Nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành do Vụ Thanh tra - Kiểm tra thực hiện.
+ Tại Cục Quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường: Nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành do Phòng Thanh tra - Pháp chế thực hiện. Trong trường hợp có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức và tên gọi của phòng, cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành cho phòng chuyên môn.
+ Tại các Cục thuộc Bộ: Nhiệm vụ tham mưu về công Tác thanh tra chuyên ngành cho đơn vị thuộc Cục do Thủ trưởng cơ quan quyết định bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực hoặc được quy định tại Quyết định của cấp có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị thuộc Cục.
- Thủ trưởng cơ quan ký ban hành Quyết định thanh tra theo quy định hoặc giao cấp phó ký ban hành Quyết định thanh tra. Việc giao cấp phó ký ban hành Quyết định thanh tra được thực hiện thông qua văn bản phân công nhiệm vụ của Thủ trưởng cơ quan và các Phó thủ trưởng cơ quan hoặc chỉ đạo ký ban hành Quyết định thanh tra đối với từng cuộc thanh tra cụ thể.
- Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn tại Điều 28 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra phải còn thời gian công tác (tính thời khi nghỉ hưu theo quy định) tối thiểu là 09 tháng.
- Về lập, lưu giữ và bàn giao hồ sơ thanh tra
+ Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày kết thúc hồ sơ thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra; Người thực hiện giám sát; tổ chức, cá nhân được phân công thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra (nếu có) có trách nhiệm bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra cho đơn vị tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành lưu giữ chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi công bố Kết luận thanh tra.
+ Việc lưu trữ hồ sơ cuộc thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ: Thẻ thanh tra chuyên ngành được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành vẫn tiếp tục có giá trị theo thời hạn ghi trên Thẻ. Chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành được cấp cho công chức từ ngày 21 tháng 10 năm 2017 đến nay tiếp tục có giá trị. Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đã cấp cho công chức tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (nay là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) từ ngày 21 tháng 10 năm 2017 tiếp tục có giá trị.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2024. Bãi bỏ Thông tư số 14/2020/TT-BCT ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn một số quy định về thanh tra chuyên ngành Công Thương. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.