Thứ năm, 21/11/2024, 05:54

Đừng sống thay con

Chủ nhật - 11/12/2022 11:34 541 0

Hai vợ chồng bà Hạnh kết hôn khi cả hai người đã đều đứng tuổi. Qua mấy năm hết lòng chạy chữa, tìm thầy tìm thuốc, bà mới sinh được một cô con gái đặt tên là Ngọc Hoa. Đúng như tên gọi, bà cưng con như hoa, như ngọc. Nhưng người mẹ ấy yêu con đến mức gần như sống hộ, sống thay con cả cuộc đời.

Từ nhỏ đến lớn, Hoa sống theo sự “chỉ đạo” duy nhất của mẹ. Nhân danh tình yêu của người mẹ dành cho con, bà đã làm mất đi sự độc lập, tự chủ trong cuộc sống của con gái. Bà tự mình đưa, đón con đi học hàng ngày từ bậc tiểu học cho đến hết cấp ba. Khi chọn trường đại học, bà cũng định hướng cho con học trường nào cho “nhàn” lại gần nhà, gần mẹ, còn lúc ra trường đã có mẹ “lo”...

Nhiều người trong gia đình còn nói: Đến khi con gái lấy chồng, bà Hạnh vẫn theo sát con từng bước để “làm dâu” thay con. Để được gần gũi con gái, trước khi Hoa lập gia đình riêng, bà đã bàn với chồng mua một căn nhà đầy đủ tiện nghi ngay gần nhà mình và tặng cho các con làm của hồi môn và thuyết phục con rể ra ở riêng sau khi cưới. Hàng ngày, bà đến căn hộ của các con lau chùi, dọn dẹp, nấu nướng cơm nước giúp con vì bà bảo từ nhỏ tới giờ con chưa bao giờ phải làm những việc đó. Con gái được bà hỗ trợ từng ly, từng tý nên dù đã có gia đình riêng nhưng vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ, đi làm về là ngồi vào mâm cơm mẹ đã dọn sẵn tinh tươm. Ngay cả quần áo thay ra của con, bà cũng chủ động mang đi giặt cho con. Tuy nhiên, được một thời gian đầu, sau đó anh con rể tỏ ý khó chịu vì sự xuất hiện quá nhiều của mẹ vợ trong tổ ấm của mình làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của hai vợ chồng. Anh bảo vợ phải học cách chủ động lo toan cuộc sống, đến khi có con còn lo cho con chứ không thể hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ. Anh đã gặp và nói chuyện với mẹ vợ để vợ chồng anh tự lo cuộc sống của mình... Chị Hoa phần vì bênh mẹ, phần vì quá quen với sự giúp đỡ của mẹ nên không đồng ý với chồng. Từ đó giữa hai vợ chồng phát sinh mâu thuẫn.

Khi không thể trực tiếp quán xuyến việc nhà giúp con gái, bà Hạnh lại “điều” giúp việc nhà mình sang nhà con. Mỗi lần con gái có việc về bên nhà chồng, bà lại đưa người giúp việc đi cùng bảo để “hỗ trợ” con việc dọn dẹp, nấu nướng. Thậm chí, mỗi dịp lễ tết bà còn chuẩn bị sẵn thay con từng món quà cho các thành viên trong gia đình nhà chồng để con được mọi người quý mến. Lần nào con gái về bên nhà chồng, bà cũng gọi điện trước “nói khó” với ông, bà thông gia để họ thông cảm vì con dâu vụng về việc nhà chồng. Nhà thông gia ban đầu cũng nể nang nhưng lâu dần họ cảm thấy khó chịu với sự can thiệp của bà... Hạnh phúc của con gái bà vì thế cũng “bấp bênh” theo làm bà cảm thấy muộn phiền trong lòng. Bà đã tâm sự chuyện gia đình nhà mình với bà Hậu là hòa giải viên của khu dân cư và nhờ bà giúp đỡ.

Sau khi nghe câu chuyện, bà Hậu đã phân tích để bà bà Hạnh nhận thấy bà đã chi phối quá nhiều vào cuộc sống riêng tư của các con. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có quy định: Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con nhưng đồng thời cũng cần “tôn trọng ý kiến của con... để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội”... Tình yêu, sự quan tâm của cha, mẹ dành cho con cái là điều đáng quý nhưng cách yêu thương như bà Hạnh là chưa phù hợp. Bà yêu con đến nỗi không chịu “trả lại” cuộc sống riêng của con, mà gần như bà đã sống “hộ”, sống “thay” con. Đến một thời điểm nhất định, con cái cần được sống cuộc đời của chính mình mới có thể trưởng thành được.

Yêu con, thay vì giữ chặt con bên mình hay sống “hộ” con thì mỗi người cha, người mẹ nên dạy dỗ, huấn luyện con từ bé để con có thể độc lập trong cuộc sống và tự bước đi bằng đôi chân của chính mình, có như vậy, trước khó khăn sóng gió cuộc đời, con mới có thể vượt qua.

Bà Hậu cũng gặp chồng Hoa để phân tích cho anh thông cảm với vợ mình: Vì khó khăn về con cái nên từ nhỏ, mẹ vợ anh đã cưng chiều con gái hết mực. Bà lấy việc quan tâm, chăm sóc con làm niềm vui, niềm hạnh phúc của mình. Dù có thể việc bà can thiệp quá sâu vào cuộc sống của vợ, chồng anh sẽ khiến anh cảm thấy không gian riêng tư bị ảnh hưởng nhưng điều đó xuất phát từ sự yêu thương của bà dành cho con.

Nhờ sự phân tích có “lý”, có “tình” của bà Hậu, bà Hạnh đã dần dần điều chỉnh cách quan tâm đến con. Những ngày nghỉ cuối tuần, bà bảo con về nhà mình chơi, nhưng thay vì “phục vụ” con, bà hướng dẫn con làm những công việc bếp núc, nữ công gia chánh để con gái bà dần thạo với công việc của gia đình.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down