Thứ bảy, 23/11/2024, 23:18

Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030

Thứ sáu - 19/01/2024 03:48 568 0
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2024 phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030”.
Theo đó, mục tiêu phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2025 như sau:
- Phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
- Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội trên 85%.
- Số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị trên 68%.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động: (1) 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; (2) 95% hồ sơ công việc của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); (3) 100% người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế có tài khoản giao dịch điện tử, đã cài đặt ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số có thể theo dõi quá trình đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, tra cứu thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; (4) 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế đã được cấp Căn cước công dân có thể sử dụng thay thế thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh.
Chiến lược cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:
1- Tham gia xây dựng chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế: Chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, các bộ Luật, Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đảm bảo đồng bộ, thống nhất để triển khai có hiệu quả những chỉ tiêu về mở rộng độ bao phủ và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đã được đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25 tháng 10 năm 2023 của Ban Bí thư.
2- Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện công tác thu, phát triển số người tham gia và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các cấp (từ cấp tỉnh đến cấp xã).
- Rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện quy trình quản lý thu, phát triển người tham gia. Phối hợp với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các tổ chức dịch vụ công để tăng cường thêm các tiện ích, đa dạng hóa các hình thức đóng, sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, nộp tiền đóng và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
- Cập nhật, phân loại đối tượng tiềm năng chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo từng địa bàn cấp xã, phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu thực hiện linh hoạt các hình thức vận động, tổ chức các hội nghị khách hàng đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với từng nhóm đối tượng tiềm năng.
- Chủ động, tích cực khai thác các nguồn thông tin, dữ liệu (dữ liệu từ cơ quan Thuế, cơ quan Kế hoạch - Đầu tư...) phân loại, lập danh sách đơn vị chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; kiểm soát chặt chẽ thủ tục chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo, chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng người hưởng; tăng cường phòng, chống trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Tăng cường công tác kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia bảo hiểm y tế; thực hiện tạm ứng, thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác phòng, chống lạm dụng trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.
3- Nâng cao chất lượng công tác dự báo tài chính từng quỹ bảo hiểm trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để xây dựng chiến lược đầu tư trung hạn, dài hạn, kế hoạch đầu tư từng giai đoạn; hoàn thiện quy trình đầu tư và quản lý rủi ro các quỹ bảo hiểm.
4- Cải cách thủ tục hành chính; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao hơn nữa tinh thần, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân của công chức, viên chức, người lao động ngành bảo hiểm xã hội.
- Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai có nội dung thông tin trùng lặp, không phát sinh thủ tục hành chính mới không cần thiết. Công khai, minh bạch thủ tục hành chính, cải tiến quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ công theo hướng người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính.
- Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tất cả các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
5- Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức và phương pháp truyền thông linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, văn hóa, lối sống, nhu cầu của từng nhóm người tham gia, từng vùng, miền để người dân, người lao động và doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích, vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của chính sách, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, đạt sự đồng thuận cao, góp phần tiến tới bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế toàn dân.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phổ biến, tuyên truyền các sản phẩm truyền thông, giải đáp các chế độ chính sách. Đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng số; tăng cường hiệu quả truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội. Nâng cao chất lượng và mở rộng đội ngũ tuyên truyền viên.
6- Đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực thực hiện và chất lượng nguồn nhân lực theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy Bảo hiểm xã hội cấp huyện thuộc ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo khu vực liên huyện”, trong đó có nội dung đánh giá kết quả tổ chức bộ máy Bảo hiểm xã hội cấp huyện, tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy theo khu vực liên huyện đến năm 2025, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đảm bảo đồng bộ với việc sắp xếp tổ chức đảng trong nhiệm kỳ tới và phù hợp với thực tiễn của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị.
- Thực hiện cải cách chế độ công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành Bảo hiểm xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; sử dụng vị trí việc làm làm cơ sở để tuyển dụng, quản lý, sử dụng và trả lương theo quy định. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ gắn liền với chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ.
- Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, dự báo phục vụ công tác đề xuất, kiến nghị xây dựng pháp luật, thiết kế chính sách; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
- Tiếp tục hiện đại hóa hệ thống trụ sở làm việc gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đảm bảo tiết kiệm và thuận tiện trong phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
7- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số theo chương trình chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử quốc gia.
- Kế thừa và tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm công nghệ thông tin (hạ tầng và phần mềm ứng dụng) của giai đoạn trước; tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm công nghệ thông tin trên cơ sở tuân thủ kiến trúc mới về Chính phủ điện tử; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, các tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hiện đại và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong các hoạt động quản lý của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trước tiên thực hiện hỗ trợ trong công tác kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc theo hướng điện tử hóa, hướng tới chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
8- Tham mưu, tham gia các chương trình đàm phán và ký kết các hiệp định, thỏa thuận quốc tế về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; chủ động, tích cực tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế về lĩnh vực an sinh xã hội.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down