Là tỉnh miền núi, có nhiều điểm không thuận lợi để phát triển kinh tế hay du lịch nhưng bằng sự nỗ lực và những hoạt động thực tiễn, thời gian qua tỉnh Lai Châu đang cho thấy lợi thế cạnh tranh và phát triển của mình theo từng ngày
Lấy địa bàn lõi nghèo làm trung tâm, phát triển đa ngành đa nghề
Hiểu rõ tình hình thực tế đề ra muốn tỉnh lớn mạnh mục tiêu đầu là phải giảm nghèo, những năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở nhằm quán triệt, triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đảm bảo nội dung và tinh thần chỉ đạo được nhân dân đồng tình ủng hộ và tham gia tích cực.
Trọng tâm hoạt động của chương trình bao gồm: giảm nghèo bao trùm, nâng cao kỹ năng nghề, tạo việc làm, lấy người nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân sinh sống trên địa bàn lõi nghèo làm trung tâm, giảm tình trạng lõi nghèo... Giải quyết từ gốc rễ vấn đề chung của toàn tỉnh với những hoạt động thiết thực.
Lai Châu có diện tích đất nông - lâm nghiệp chiếm đến 52%. Có thể thấy phát triển nông - lâm nghiệp là một trong những ngành nắm vị trí và tầm quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Trong suốt 15 năm từ 2005 -2020 Đảng bộ tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Quy hoạch 3 vùng kinh tế, chỉ đạo đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức sản xuất thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ sinh học cho ngành nông nghiệp. Các loại cây công nghiệp, cây ăn quả được quan tâm phát triển với quy mô lớn. Tinth đã dần hình thành các vùng sản xuất theo hướng tập trung như: cao su 13.000ha, chè 6000ha, Mắc - ca 1.800ha... nhiều loại cây ăn quả có giá trị được đưa vào thử nghiệm như: Cam, đào, nhãn, vải...
Lai Châu đang xây dựng vùng nguyên liệu chè lớn của cả nước. |
Lĩnh vực chăn nuôi có bước tăng trưởng tốt, được quan tâm đúng mức. Hình thức chăn thả rông được chuyển đổi dần sang hộ gia đình, trang trại, phát triển nuôi thuỷ hải sản...
Ổn định phát triển vùng tái định cư các công trình thuỷ điện quốc gia trên địa bàn tỉnh cũng là mục tiêu phát triển của Lai Châu. Đến nay, tỉnh đã tiến hành triển khai thực hiện chi trả chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định cho 7.499 hộ/38.287 khẩu, với tổng giá trị 274.041 triệu đồng. Thực hiện hỗ trợ gạo cho các hộ tái định cư theo quy định, với tổng giá trị 221.962 triệu đồng, đạt 100% so với kế hoạch.
Thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trong vùng tái định cư, với tổng số hộ được cấp là 6.684 hộ/9.187,28 ha tương ứng với 83,6% diện tích đã giao. Giao 5.802 ha đất sản xuất nông nghiệp cho 6.356 hộ, bình quân 0,91 ha/hộ (so với bình quân chung của tỉnh là 1,32 ha/hộ); bố trí 4.895,74 ha đất sản xuất lâm nghiệp (đất cao su) cho 1.750 hộ; khai hoang, cải tạo 1,560 ha đất chưa sử dụng.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện lồng ghép, bố trí nguồn vốn tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân vùng tái định cư cho 350 dự án, tổng vốn đầu tư 886.940 triệu đồng.
Chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ và các sản phẩm du lịch. Hình thành một số sản phẩm du lịch mới hấp dẫn thu hút khách tham quan và khám phá như: di tích quốc gia Pusamcap; bản văn hóa dân tộc Mông gắn với hệ thống hang động Gia Khâu 1; động Tiên Sơn; thác Tác Tình; đỉnh Putaleng; đỉnh Tả Liên Sơn; bản Sin Suối Hồ; bản Vàng Pheo, bản Sì Thâu Chải; bản Nà Khương;... phát huy giá trị di tích lịch sử gắn liền với văn hoá.
Mùa lúa chín thắm đượm tình quân dân. |
Từng bước khẳng định vị trí
Thời gian gần đây Lai Châu vinh dự được đón và làm việc với các ban ngành, tổ chức, doanh nghiệp cho mục tiêu chung phải kể đến như Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tập đoàn Cao su Việt Nam... Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh có những đường hướng và mục tiêu phát triển rõ ràng nhằm thu hút, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Triển khai các chính sách, đảm bảo quyền sở hữu, lợi ích gắn với trách nhiệm nhà đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng...
Với những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ dù còn nhiều khó khăn nhưng Lai Châu đang từng bước khẳng định vị trí của mình trên con đường phát triển kinh tế xã hội. Bằng chứng là theo Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, tỉnh Lai Châu xếp ở vị trí thứ 57/63 tỉnh, thành phố, đạt 61,98 điểm, tăng 6 bậc so với năm 2019 và được xếp ở nhóm trung bình (năm 2019, Lai Châu xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố với 59,95 điểm và ở nhóm tương đối thấp).
Đây là kết quả hoàn toàn xứng đáng với những nổ lực mà tỉnh Lai Châu đã bỏ ra. Hy vọng với đường hướng chỉ đạo đúng đắn cùng những kế hoạch hiệu quả mang tính dài hạn trong những năm tiếp theo chúng ta sẽ được thấy kinh tế xã hội tỉnh Lai Châu đạt được những thành tích tốt hơn nữa.
Nguồn: baophapluat.vn
Ý kiến bạn đọc