Chủ nhật, 17/11/2024, 03:19

Người cán bộ tư pháp tận tâm ở vùng cao Lai Châu

Thứ hai - 27/09/2021 21:59 458 0
(PLVN) - Ở Sở Tư pháp Lai Châu, nhắc đến ông Nguyễn Công Thiếp, Phó Giám đốc Sở, mọi người đều có chung lời nhận xét đó là người ít nói, nhưng với công việc là cán bộ năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm.
 
Ông Nguyễn Công Thiếp, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lai Châu.
Ông Nguyễn Công Thiếp, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lai Châu.

Niềm vui cán bộ tư pháp

Sau khi tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội năm 1997, trong khi bạn bè trở về quê hương hay lựa chọn mảnh đất Thủ đô để bắt đầu sự nghiệp, tân cử nhân Nguyễn Công Thiếp lại quyết định không về quê Thái Bình, cũng không ở lại Hà Nội, mà đến Lai Châu, tỉnh nghèo với 20 dân tộc cùng sinh sống thuộc miền núi phía Tây Bắc.

Sau một thời gian ông Thiếp công tác tại Phòng Pháp quy, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Sở Tư pháp, năm 2004 tỉnh Lai Châu (cũ) được chia tách thành 2 tỉnh Lai Châu (mới) và Điện Biên. Ông Thiếp xung phong nhận nhiệm vụ tại tỉnh Lai Châu mới, giữ nhiệm vụ Phó phòng phụ trách Phòng Pháp quy, tuyên truyền PBGDPL.

Ông Thiếp nhớ lại: “Thời điểm đó có đến 60% dân số ở địa phương là hộ nghèo, đội ngũ cán bộ vô cùng thiếu và yếu, các huyện được lấy về Lai Châu mới lúc này như Phong Thổ, Tam Đường, Mường Tè, Sìn Hồ của Lai Châu cũ và huyện Than Uyên của Lào Cai đều là những huyện xa xôi và nghèo… Thời điểm đó, không riêng ngành Tư pháp, mà ngành nào cũng đứng trước khó khăn. Có những lần, anh em chúng tôi cùng cán bộ địa phương phải leo bộ hàng chục km đường núi, hay những hôm trời mưa đường trơn vẫn xuống từng hộ dân, gõ cửa từng nhà, có mặt ở các cuộc sinh hoạt, hội họp thôn bản để tuyên truyền, vận động chính sách pháp luật biên giới, nói cho dân hiểu về lợi ích đúng sai và những hành vi vi phạm pháp luật...”.

Khó khăn là vậy, nhưng nhiệt huyết với công việc giúp ông Thiếp luôn thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Ông cùng các đồng nghiệp đã tích cực, chủ động thẩm định dự thảo văn bản QPPL do các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh soạn thảo trước khi trình UBND tỉnh ban hành hoặc để UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh thông qua; tự kiểm tra văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành; rà soát, hệ thống hóa văn bản của HĐND, UBND tỉnh; kiểm tra văn bản QPPL của HĐND, UBND các huyện, thị xã; thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn… từng bước đưa công tác xây dựng, ban hành và áp dụng văn bản pháp luật của tỉnh đi vào nề nếp, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Năm 2006, anh Thiếp được tin tưởng bổ nhiệm Trưởng Phòng Pháp quy, PBGDPL. Năm 2009, phòng này được tách thành 2 đơn vị Phòng Xây dựng & Kiểm tra văn bản và Phòng PBGDPL.

Chia sẻ về động lực để tâm huyết với nghề, ông Thiếp nói: “Làm cán bộ tư pháp, đặc biệt lại ở tỉnh miền núi như Lai Châu; có nhiều vất vả, nhưng khi thấy việc mình làm giúp người dân phân biệt được cái đúng, cái sai, hăng say lao động sản xuất, đời sống bà con được nâng lên, hướng phát triển kinh tế theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; chính là động lực, là nguồn năng lượng lớn nhất với tôi”.

Đặc biệt quan tâm công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản

Gần 25 năm gắn bó với ngành Tư pháp Lai Châu, ông Thiếp cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền, đưa pháp luật vào đời sống của người dân, cũng cần đặc biệt quan tâm đến công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL do HĐND và UBND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành. Bởi đây là các văn bản được đưa ra phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cần thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện các quy định trái luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.

Đồng thời, việc rà soát để kịp thời sửa đổi, bãi bỏ, ban hành mới văn bản cũng giúp loại bỏ những quy định bất cập, rườm rà, mâu thuẫn; từ đó tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, DN. Qua đó cũng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tính liên thông gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng và thi hành pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Cá nhân ông Thiếp từng mạnh dạn đưa ra sáng kiến “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL do HĐND và UBND tỉnh Lai Châu ban hành”, được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh năm 2018. Sáng kiến được áp dụng hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh cho tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan công tác tham mưu xây dựng, rà soát, hệ thống hoá văn bản.

Ông Thiếp cùng tập thể Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản QPPL trước đây, nay là Phòng Xây dựng, kiểm tra & Thi hành pháp luật đã thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp lãnh đạo Sở trong công tác được phân công, nhiều năm liền được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận tập thể lao động xuất sắc, nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh.

Riêng với cá nhân, ông Thiếp luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền được UBND tỉnh tặng bằng khen. Năm 2018 ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận điển hình tiên tiến ngành Tư pháp. Năm 2020, ông Thiếp được lãnh đạo tin tưởng bổ nhiệm giữ chức vụ Phó GĐ Sở Tư pháp Lai Châu.
                                                                                                                     Duy Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down