Thứ tư, 18/12/2024, 13:51

Điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Thứ ba - 21/07/2020 21:53 850 0
Từ 01/7/2020, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 chính thức có hiệu lực, trong đó có nhiều điểm mới sau đây:
Điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

1. Thay đổi khái niệm công chức

- Khẳng định công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với “vị trí việc làm”.

- Khái niệm mới không còn đối tượng công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (tức không có công chức là lãnh đạo quản lý tại đơn vị sự nghiệp công).

2. Công khai kết quả đánh giá cán bộ, công chức

Theo quy định mới,  kết quả đánh giá cán bộ, công chức sẽ được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác.

(Quy định hiện hành không công khai, chỉ thông báo đến cán bộ được đánh giá mà thôi).

3. Thay đổi trong phân loại công chức theo ngạch

Bổ sung thêm 01 loại công chức theo ngạch đó là “Loại đối với các ngạch công chức do Chính phủ quy định” bên cạnh công chức các loại A, B, C, D.

4. Luật hóa quy định về tiếp nhận công chức không qua thi tuyển, xét tuyển

- Trước 01/7: Luật quy định 02 hình thức là thi tuyển, xét tuyển, Thông tư 03/2019/TT-BNV quy định về tiếp nhận đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức.

- Từ 01/7: Luật quy định hình thức tiếp nhận không thông qua thi tuyển, xét tuyển, cụ thể đối với:

+ Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;

+ Cán bộ, công chức cấp xã;

+ Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;

+ Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với 1 số chức vụ được quy định chi tiết tại Điều 37 Luật Cán bộ, công chức 2008 (Đã được sửa đổi, bổ sung).

+ Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

5. Công chức được xét nâng ngạch

Bên cạnh việc thi nâng ngạch, kể từ 01/7/2020, công chức đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận thì được xét nâng ngạch công chức.

6. Bổ sung một số quy định về kỷ luật cán bộ, công chức

Bổ sung quy định sau:

- Cán bộ bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

- Hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

- 04 trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức:

+ Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;

+ Có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;

+ Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

+ Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

- Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật.

- Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down