Thứ tư, 11/09/2024, 01:52

Đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Thứ năm - 18/06/2020 03:47 1.173 0
Đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Biện pháp xử lý hành chính (BPXLHC) đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (CSCNBB) là một trong những BPXLHC được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC), trong đó Luật XLVPHC có một điều quy định về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB. Bài viết tập trung phân tích, làm rõ các quy định của Luật XLVPHC và các văn bản pháp luật có liên quan về đối tượng áp dụng BPXLHC đưa vào CSCNBB, thực tiễn thực hiện thời gian qua. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số đề xuất, kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng BPXLHC đưa vào CSCNBB.
1. Quy định của pháp luật về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1.1. Theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy[1] người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào CSCNBB. Người nghiện ma tuý tự nguyện làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại CSCNBB và không bị coi là bị xử lý vi phạm hành chính. Tổ chức và hoạt động của CSCNBB, chế độ cai nghiện bắt buộc, thủ tục đưa người nghiện ma túy đối với các đối tương này vào CSCNBB được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
1.2. Theo quy định của Luật XLVPHC, đối tượng áp dụng BPXLHC đưa vào CSCNBB là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
1.3. Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên có thể thấy, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật XLVPHC có nhiều điểm giống nhau, đồng thời cũng có sự khác nhau, theo đó, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB phải thỏa mãn các điều kiện:
         Thứ nhất, đối tượng phải là người nghiện ma túy. Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này[2].         
        Thứ hai, đối tượng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (đối với người có nơi cư trú ổn định/nhất định)[3] hoặc đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng[4] mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, chưa cai nghiện tại gia đình, cộng đồng[5] nhưng không có nơi cư trú ổn định/nhất định.
          Như vậy, một trong những điều kiện để áp dụng BPXLHC đưa vào CSCNBB là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi trú ổn định/nhất định phải “đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện”. Quy định này dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau:
- Ý kiến thứ nhất cho rằng“Đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn” được hiểu là đối tượng chỉ cần có quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn, không phân biệt là đối tượng đã chấp hành hay chưa chấp hành, xong hay chưa xong quyết định (đã có quyết định nhưng chưa thi hành quyết định hoặc đang thi hành quyết định hoặc đã chấp hành xong quyết định).
 - Ý kiến thứ hai cho rằng: “Đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn” được hiểu là đối tượng phải chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường thị trấn và được cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường thị trấn vì khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy quy định Đã …  được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn  vẫn còn nghiện” và khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC quy định “Đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn  vẫn còn nghiện”.
Để việc thi hành pháp luật bảo đảm sự thống nhất, chính xác, Điều 35a Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng BPXLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016) quy định: Người được giáo dục sau khi đã chấp hành ít nhất 1/2 (một phần hai) thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà không tiến bộ, tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB. Theo quy định của Luật XLVPHC và các văn bản pháp luật có liên quan, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB bao gồm:
- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện[6].
- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy[7].
- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định[8].
- Người đang tham gia chương trình cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng, người đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế[9].
Cùng với việc quy định về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB như đã nêu trên, Luật XLVPHC và các văn bản pháp luật có liên quan cũng quy định cụ thể về việc không áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB đối với các trường hợp sau đây:
- Người nước ngoài[10].
- Người không có năng lực trách nhiệm hành chính[11].
- Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện[12].
- Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận[13].
- Người đang tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện[14].
          2. Thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về đối tượng áp dụng BPXLHC đưa vào CSCNBB
Từ năm 2014 đến hết 6 tháng đầu năm 2018[15], đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB chiếm số lượng cao trong tổng số đối tượng bị áp dụng biện pháp XLHC do Toà án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định[16] (58.904 đối tượng/66.259 đối tượng). Năm 2018[17], số lượng đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB là 24.068 đối tượng; chiếm khoảng 45,9 % số đối tượng bị áp dụng các BPXLHC (tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là 52.484 đối tượng). Năm 2019[18]số lượng đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB là 21.569 đối tượng; chiếm khoảng 47,8% số đối tượng bị áp dụng các BPXLHC (tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính  do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định là 22.598 đối tượng[19]).
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về đối tượng áp dụng BPXLHC đưa vào CSCNBB còn có những khó khăn, vướng mắc:
          Thứ nhấtchưa có sự thống nhất trong quy định về đối tượng áp dụng BPXLHC đưa vào CSCNBB giữa các văn bản pháp luật về XLVPHC và các văn bản pháp luật có liên quan:
          - Khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (đối với người có nơi cư trú ổn định)[20] mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú ổn định. Trong khi đó, khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định: Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Như vậy, theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà vẫn còn nghiện thuộc đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCNBB nhưng theo quy định của Luật XLVPHC, những người này không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB. Theo quy định của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) và Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP), người nghiện ma túy đang tham gia chương trình cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng sẽ thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB nếu đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn[21].
Bên cạnh đó, việc quy định nơi cư trú của đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCNBB theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Luật XLVPHC hiện không có sự thống nhất. Luật Phòng, chống ma túy quy định “nơi cư trú nhất định. Trong khi đó, Luật XLVPHC quy định “nơi cư trú ổn định”.
          - Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế quy định: Không lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đang tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện (trừ trường hợp người bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 90/2016/NĐ-CP mà tiếp tục sử dụng ma túy trái phép)[22] . Trong khi đó, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP quy định: Việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng được áp dụng đối với người đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
          Thứ hai, Luật XLVPHC có sự quy định khác nhau trong chính sách xử lý đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định và người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định:
          Theo quy định của Luật XLVPHC, người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định phải trải qua biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB. Trong khi đó, đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì sẽ không phải trải qua biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà áp dụng luôn BPXLHC đưa vào CSCNBB.
            Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định pháp luật đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định phải trải qua biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB thời gian qua cho thấy, quy định người nghiện ma tuý có nơi cư trú ổn định phải áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB rõ ràng là không đạt được mục đích đề ra “chữa bệnh, lao động, học văn hoá, học nghề…[23].
Liên quan đến quy định này, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc bỏ quy định áp dụng biện pháp “tiền đề” giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật XLVPHC đối với các đối tượng là người nghiện ma túy vì một số lý do sau đây:
          - Một là, BPXLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp được áp dụng nhằm mục đích giáo dục, quản lý người vi phạm tại nơi cư trú[24] nhưng lại được áp dụng đối với người nghiện ma túy là không phù hợp vì đây là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này.
          - Hai là, góp phần làm giảm số lượng người nghiện ma túy tại cộng đồng, giảm nguy cơ tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, góp phần giảm nguồn lực về tài chính, nhân lực trong quá trình áp dụng và tổ chức thi hành quyết định áp dụng BPXLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
          - Ba là, phù hợp thực tiễn thi hành, bảo đảm tính khả thi của các quy định pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về XLVPHC nói chung và áp dụng biện pháp XLHC đối với người nghiện ma túy nói riêng.
          Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần cân nhắc bỏ quy định áp dụng biện pháp “tiền đề” giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật XLVPHC đối với các đối tượng là người nghiện ma túy hay nói cách khác, nên giữ nguyên quy định của Luật XLVPHC, theo đó, người nghiện ma tuý có nơi cư trú ổn định phải áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB vì việc bỏ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ mở rộng phạm vi áp dụng BPXLHC đưa vào CSCNBB đối với người nghiện ma túy. Đồng thời, có thể làm giảm cơ hội áp dụng các biện pháp điều trị nghiện dựa vào cộng đồng.
          Tác giả đồng tình với ý kiến đề xuất về việc nghiên cứu bỏ quy định áp dụng biện pháp “tiền đề” giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với những đối tượng là người nghiện ma túy quy định tại Điều 96 Luật XLVPHC vì trên thực tế, việc áp dụng biện pháp “tiền đề”, “đầu vào” giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với những đối tượng là người nghiện ma túy thật sự không phù hợp và không hiệu quả trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam.
            Thứ ba, Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết chưa có hướng dẫn, giải thích hiểu thế nào là “người nghiện ma túy thuộc loại côn đồ, hung hãn” dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất giữa các cơ quan:
          Khoản 2 Điều 118 Luật XLVPHC năm 2012 quy định “Trường hợp người nghiện ma tuý thuộc loại côn đồ hung hãn thì áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Cơ sở giáo dục bắt buộc thực hiện việc cai nghiện cho đối tượng này”.
            Căn cứ quy định pháp luật nêu trên có thể thấy rằng, nếu người nghiện ma tuý vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, vừa thuộc đối tượng đưa vào CSCNBB thì căn cứ vào đặc điểm về nhân thân của người đó (có thuộc loại côn đồ hung hãn hay không) để cơ quan, người có thẩm quyền quyết định đưa người đó vào CSCNBB hay đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Tuy nhiên, Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện chưa có giải thích, hướng dẫn hiểu thế nào là “côn đồ hung hãn”, điều này dẫn đến sự “tuỳ tiện” của các cơ quan, người có thẩm quyền trong áp dụng pháp luật. Trong khi đó, chế độ áp dụng đối với trại viên đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc khác so với học viên đang chấp hành quyết định tại CSCNBB[25].        
            3. Đề xuất, kiến nghị
          Để góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng BPXLHC đưa vào CSCNBB, liên quan đến đối tượng áp dụng BPXLHC đưa vào CSCNBB, thời gian tới, tác giả đề xuất, kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
          Thứ nhất, để bảo đảm phù hợp và hiệu quả trong thực tiễn thi hành về đối tượng áp dụng BPXLHC đưa vào CSCNBB, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC theo hướng:
- Một là, bỏ quy định người nghiện ma tuý có nơi cư trú ổn định phải áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB, bảo đảm sự công bằng, thống nhất trong chính sách xử lý đối với người nghiện ma túy (không có sự phân biệt đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định và người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định).
- Hai là, nghiên cứu, giải thích, làm rõ cụm từ “người nghiện ma túy thuộc loại côn đồ, hung hãn”, bảo đảm tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật của các cơ quan và người có thẩm quyền.
Ba là, tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất trong quy định về đối tượng áp dụng BPXLHC đưa vào CSCNBB của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC với các văn bản pháp luật khác có liên quan, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy.
Thứ hai, hiện nay, Bộ Công an đang được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Phòng, chống ma túy, để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quy định về người nghiện ma túy bị áp dụng BPXLHC đưa vào CSCNBB, Bộ Công an và Bộ Tư pháp cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các quy định này trong dự án Luật Phòng, chống ma túy và  Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC.
          Thứ ba, các Bộ, ngành tiếp tục tăng cường công tác phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là trong xây dựng, hoàn thiện các Nghị định của Chính phủ liên quan đến áp dụng BPXLHC đưa vào CSCNBB đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của các văn bản pháp luật./.
                                                                Ths. Nguyễn Thị Minh Phương, Cục QLXLVPHC&TDTHPL.
                                                                                                       (Theo moj.gov.vn)

         
 
  TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
2. Luật phòng, chống ma túy năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008).
3. Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP).
4. Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016).
5. Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016).
6. Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
7. Báo cáo số 1994/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 02/6/2020 của Bộ Tư pháp gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc khuyến nghị của một số tổ chức quốc tế đối với một số nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC.
8. TS. Nguyễn Văn Cương (Chủ nhiệm), Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra thực tiễn thi hành một số quy định mới của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp (Dự án điều tra cơ bản), Hà Nội 2018.
 

[1] Xem: Khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000.
[2] Xem: Khoản 11 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và khoản 16 Điều 2 Luật XLVPHC năm 2012.
[3] Xem: Khoản 4 Điều 90 Luật XLVPHC năm 2012 và khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000.
[4] Xem: Khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000.
[5] Xem: Khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000.
[6] Xem: Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 136/2016/NĐ-CP) và khoản 2 Điều 7 Luật XLVPHC.
[7] Xem: Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 136/2016/NĐ-CP).
[8] Xem: Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 136/2016/NĐ-CP).
[9] Xem: Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP), điểm d khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
[10] Xem: Khoản  2 Điều 5 Luật XLVPHC năm 2012.
[11] Xem: Điểm a khoản 2 Điều 96 Luật XLVPHC năm 2012.
[12] Xem: Điểm b khoản 2 Điều 96 Luật XLVPHC năm 2012.
[13] Xem: Điểm c khoản 2 Điều 96 Luật XLVPHC năm 2012.
[14] Xem: Khoản 2, 3 Điều 3 Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
[15] Xem: Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra “Thực tiễn thi hành một số quy định mới của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012”  thuộc Dự án điều tra cơ bản, Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp do TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý làm chủ nhiệm, trang 42-44.
[16] Khoản 2 Điều 105 Luật XLVPHC năm 2012 quy định: Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
[17] Xem: Báo cáo số 82/BC-BTP ngày 22/3/2019 của Bộ Tư pháp báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018.
[18] Xem: Báo cáo số 51/BC-BTP ngày 06/3/2020 của Bộ Tư pháp báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính  năm 2019.
[19] Theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao (Công văn số 05/TANDTC-TH ngày 20/1/2019)  thì trong năm 2019, TAND cấp huyện đã ra quyết định áp dụng  BPXLHC đối với 25.465 trường hợp (Trong đó: biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là 268, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là 566 trường hợp, biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 24.631 trường hợp).
[20] Xem: Khoản 4 Điều 90 Luật XLVPHC.
[21] Xem: Điểm d khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP) và khoản 3 Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP).
[22] Xem: Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 90/2016/NĐ-CP.
[23] Xem: Khoản 1 Điều 95 Luật XLVPHC năm 2012.
[24] Xem: Khoản 1 Điều 89 Luật XLVPHC năm 2012.
[25] Xem: Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra “Thực tiễn thi hành một số quy định mới của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012” thuộc Dự án điều tra cơ bản, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp do TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý làm chủ nhiệm, trang 50.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down