Thứ bảy, 21/12/2024, 22:20

Quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Thứ sáu - 25/10/2024 03:59 75 0
Ngày 23/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Theo đó, Nghị định số 136/2024/NĐ-CP quy định mục đích tổ chức, hoạt động của quỹ như sau: Quỹ được tổ chức, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ tài nguyên và môi trường, cộng đồng, từ thiện, nhân đạo.

Nghị định số 136/2024/NĐ-CP quy định về Tên của quỹ phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Quỹ phải có tên bằng tiếng Việt và có thể được dịch ra tiếng nước ngoài theo quy định của pháp luật và phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của quỹ;

- Không trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với tên của quỹ khác đã được đăng ký hợp pháp trước đó;

- Không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;

- Không gắn với tên riêng của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chức sắc tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, các sáng lập viên thành lập quỹ, thành viên Hội đồng quản lý quỹ và người có quan hệ gia đình với sáng lập viên, thành viên Hội đồng quản lý quỹ;

- Không gây hiểu nhầm, dẫn đến mâu thuẫn, nguy cơ xung đột quan điểm, lợi ích giữa các tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, cộng đồng các dân tộc tại Việt Nam; không trái với quy định tại các điều ước, thỏa thuận, hiệp định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên; không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Nghị định số 136/2024/NĐ-CP nêu rõ: Biểu tượng của quỹ không được trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với biểu tượng của quỹ khác được đăng ký hợp pháp trước đó, không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, không gây hiểu nhầm, dẫn đến mâu thuẫn, nguy cơ xung đột quan điểm, lợi ích giữa các tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, cộng đồng các dân tộc tại Việt Nam; không trái với quy định tại các điều ước, thỏa thuận, hiệp định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên, không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Việt Nam. Biểu tượng của quỹ phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết các thủ tục về quỹ dưới hình thức trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Nghị định số 136/2024/NĐ-CP quy định thủ tục, hồ sơ công nhận điều lệ sửa đổi, bổ sung của quỹ như sau:

- Trong quá trình hoạt động, quỹ thấy cần thiết sửa đổi, bổ sung điều lệ quỹ hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quỹ gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định, hồ sơ gồm: Đơn đề nghị công nhận điều lệ sửa đổi, bổ sung quỹ; Nghị quyết của Hội đồng quản lý quỹ nêu rõ lý do về việc sửa đổi, bổ sung điều lệ quỹ; Dự thảo điều lệ sửa đổi, bổ sung.

- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và ý kiến của các cơ quan liên quan về việc xin thay đổi giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định xem xét, quyết định cho phép thay đổi giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

- Đối với cấp lại giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ, Nghị định số 136/2024/NĐ-CP quy định:
Khi giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ bị mất, rách, nát, quỹ có đơn đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định cấp lại giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ, trong đó nêu rõ lý do đề nghị cấp lại. Trường hợp bị mất thì phải gửi kèm theo xác nhận của cơ quan công an; trường hợp bị rách, nát thì phải gửi kèm theo giấy phép bị rách, nát.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan cấp phép thành lập quỹ cấp lại giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ, trong đó ghi rõ số lần cấp lại và số giấy phép thành lập đã được cấp trước đây, nếu không cấp lại phải nêu rõ lý do.

Về điều kiện, hồ sơ, trình tự mở rộng phạm vi hoạt động, Nghị định số 136/2024/NĐ-CP quy định:

- Điều kiện mở rộng phạm vi hoạt động của quỹ gồm: Không làm thay đổi về tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động chính của quỹ; Đảm bảo các điều kiện về tên; tài sản, tài chính; sáng lập viên theo quy định tại Nghị định này.

- Hồ sơ mở rộng phạm vi hoạt động của quỹ: Đơn đề nghị mở rộng phạm vi hoạt động; Dự thảo điều lệ quỹ; Văn bản của Ban sáng lập quỹ; Nghị quyết của Hội đồng quản lý quỹ về việc mở rộng phạm vi hoạt động của quỹ; Tài liệu chứng minh tài sản đóng góp đảm bảo theo quy định.

Trường hợp bổ sung sáng lập viên thành lập quỹ: hồ sơ theo quy định, sơ yếu lý lịch cá nhân (theo mẫu quy định) và phiếu lý lịch tư pháp số 01 do cơ quan có thẩm quyền cấp cho các sáng lập viên thành lập quỹ không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ; nếu sáng lập viên là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ thì không cần phiếu lý lịch tư pháp số 01.

Báo cáo về quá trình tổ chức, hoạt động của quỹ và phương hướng hoạt động của quỹ khi được mở rộng phạm vi hoạt động; báo cáo về quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của quỹ; báo cáo kiểm toán (nếu có) về quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của quỹ; phương án giải quyết tài sản, tài chính, lao động khi mở rộng phạm vi hoạt động của quỹ.

- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và ý kiến của các cơ quan liên quan về việc mở rộng phạm vi hoạt động của quỹ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ, nếu từ chối phải nêu rõ lý do.

- Sau khi quỹ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này cho phép mở rộng phạm vi hoạt động phải thực hiện việc công bố việc mở rộng phạm vi hoạt động của quỹ, công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ theo quy định.

Nghị định số 136/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 12 năm 2024.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down