Trả lời
Theo Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016, “trẻ em là người dưới 16 tuổi”.
Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác.
Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 9 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 bao gồm:
“1. Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu.
2. Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.
3. Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này.
4. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá.
5. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá.
6. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
7. Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
8. Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.
9. Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá”.
Như vậy, không chỉ bán thuốc lá cho trẻ em (dưới 16 tuổi), mà bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi là hành vi bị pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá nghiêm cấm.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo điểm b khoản 2 Điều 26 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi “bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi” bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Nếu tổ chức chức vi phạm, mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Có nghĩa là, vi phạm một trong các hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung được quy định tại khoản 3 của Điều này. Đó là: “Đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với các hành vi quy định tại khoản 2 Điều này”.
Đối với hành vi “Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá” được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 29 của Nghị định này, người vi phạm bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Tóm lại, không chỉ người bán vi phạm, mà người lớn sai con cháu đi mua thuốc lá cũng vi phạm và bị xử phạt như trên.
Ý kiến bạn đọc