Thứ ba, 21/01/2025, 02:33

Các trường hợp sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng

Thứ năm - 11/07/2024 05:35 656 0
Ngày 11 tháng 7 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2024/NĐ-CP quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp tổ chức tín dụng phân bổ lãi phải thu phải thoái
Theo đó, Nghị định số 86/2024/-CP quy định về: Mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 147 Luật Các tổ chức tín dụng đối với các tài sản có quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này; Trường hợp tổ chức tín dụng có thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái lớn hơn 05 năm nhưng không quá 10 năm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 159 Luật Các tổ chức tín dụng.
Việc trích lập và sử dụng dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng tổn thất các khoản nợ phải thu khó đòi, trừ các khoản quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này thực hiện theo quy định của pháp luật về việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.
Việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt do Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam phát hành để mua nợ xấu của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Các khoản nợ mà Chính phủ có quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro khác với quy định tại Nghị định này thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định đó của Chính phủ.
Các khoản nợ mà Thủ tướng Chính phủ quyết định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định tại khoản 4 Điều 147 Luật Các tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quyết định đó của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định này áp dụng đối với: Tổ chức tín dụng: Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tín dụng là hợp tác xã (ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân) và tổ chức tài chính vi mô; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài được áp dụng chính sách dự phòng rủi ro của ngân hàng nước ngoài quy định tại Điều 16 Nghị định này và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Về sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro, Nghị định quy định như sau:
Thành phần của Hội đồng xử lý rủi ro:
- Ngân hàng thương mại phải thành lập Hội đồng xử lý rủi ro gồm 01 thành viên là thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên làm Chủ tịch; 01 thành viên khác là thành viên của Ủy ban quản lý rủi ro; 01 thành viên khác là Tổng giám đốc (Giám đốc) và tối thiểu 02 thành viên khác do Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên quyết định;
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải thành lập Hội đồng xử lý rủi ro gồm Tổng giám đốc (Giám đốc) làm Chủ tịch và tối thiểu 02 thành viên khác do Tổng giám đốc (Giám đốc) quyết định;
- Tổ chức tài chính vi mô phải thành lập Hội đồng xử lý rủi ro gồm 01 thành viên là thành viên Hội đồng thành viên làm Chủ tịch; 01 thành viên khác là thành viên của Ủy ban quản lý rủi ro; 01 thành viên khác là Tổng giám đốc (Giám đốc) tối thiểu 02 thành viên khác do Hội đồng thành viên quyết định;
- Tổ chức tín dụng là hợp tác xã phải thành lập Hội đồng xử lý rủi ro gồm 01 thành viên là thành viên Hội đồng quản trị làm Chủ tịch; 01 thành viên khác là Tổng giám đốc (Giám đốc) và tối thiểu 02 thành viên khác do Hội đồng quản trị quyết định.
Trách nhiệm Hội đồng xử lý rủi ro của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khoản nợ sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro:
- Phê duyệt báo cáo tổng hợp toàn hệ thống về kết quả thu hồi nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, bao gồm kết quả xử lý tài sản bảo đảm và xác định rõ cơ sở của việc phê duyệt;
- Quyết định hoặc phê duyệt việc phân loại nợ, trích lập dự phòng, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong toàn hệ thống đối với khoản nợ sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro;
- Quyết định hoặc phê duyệt các biện pháp thu hồi nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong toàn hệ thống, bao gồm cả việc xử lý tài sản bảo đảm.
Hội đồng xử lý rủi ro làm việc khi có tối thiểu hai phần ba tổng số lượng thành viên tham dự và quyết định theo nguyên tắc đa số.
Về nguyên tắc và hồ sơ xử lý rủi ro:
- Tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tài chính vi mô), chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong các trường hợp sau: Khách hàng là tổ chức bị giải thể, phá sản; cá nhân bị chết, mất tích; Các khoản nợ được phân loại vào nợ nhóm 5.
- Tổ chức tài chính vi mô sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong các trường hợp sau: Khách hàng là tổ chức bị giải thể, phá sản; cá nhân bị chết, mất tích; Các khoản nợ được phân loại vào nợ nhóm 5; Khách hàng là cá nhân bị thương tật vĩnh viễn không còn khả năng lao động tạo thu nhập.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo nguyên tắc sau:
+ Đối với trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo thỏa thuận của các bên và theo quy định của pháp luật, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng dự phòng cụ thể để xử lý rủi ro đối với số dư nợ còn lại của khoản nợ; trường hợp sử dụng dự phòng cụ thể không đủ bù đắp rủi ro của khoản nợ thì sử dụng dự phòng chung để xử lý rủi ro;
+ Đối với trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo nguyên tắc sau: Sử dụng dự phòng cụ thể để xử lý rủi ro đối với khoản nợ đó; Khẩn trương tiến hành xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận với khách hàng và theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ; Trường hợp sử dụng dự phòng cụ thể và số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm không đủ bù đắp rủi ro của khoản nợ thì sử dụng dự phòng chung để xử lý rủi ro;
+ Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạch toán ngoại bảng phần dư nợ đã sử dụng dự phòng cụ thể, dự phòng chung để xử lý rủi ro quy định tại các điểm a, b khoản 3 Điều 11 Nghị định này.
- Việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là hình thức thay đổi hạch toán đối với khoản nợ, chuyển khoản nợ được xử lý rủi ro ra hạch toán trên các tài khoản ngoại bảng; là công việc nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ của khách hàng đối với khoản nợ được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến khoản nợ. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được thông báo cho khách hàng về việc khoản nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro. Sau khi xử lý rủi ro, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải theo dõi, có các biện pháp thu hồi nợ đầy đủ, triệt để đối với khoản nợ được xử lý rủi ro, trừ trường hợp khoản nợ sau khi xử lý rủi ro được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán cho tổ chức, cá nhân, thu được đầy đủ tiền bán nợ theo Hợp đồng mua, bán nợ.
- Hồ sơ xử lý rủi ro gồm:
+ Hồ sơ cấp tín dụng và hồ sơ thu nợ đối với các khoản nợ được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro;
+ Hồ sơ tài sản bảo đảm và các giấy tờ khác có liên quan (nếu có);
+ Quyết định hoặc phê duyệt của Hội đồng xử lý rủi ro về kết quả phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro;
+ Quyết định hoặc phê duyệt của Hội đồng xử lý rủi ro về việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro;
+ Đối với trường hợp khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, ngoài hồ sơ nêu tại các điểm a, b, c, d khoản 5 Điều 11 Nghị định này phải có bản gốc hoặc bản sao được chứng thực hoặc bản sao từ sổ gốc Quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án hoặc quyết định giải thể doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
+ Đối với trường hợp khách hàng là cá nhân bị chết, mất tích, ngoài hồ sơ quy định tại các điểm a, b, c, d khoản khoản 5 Điều 11 Nghị định này phải có bản gốc hoặc bản sao được chứng thực hoặc bản sao từ sổ gốc Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật, hoặc quyết định tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;
+ Đối với trường hợp khách hàng của tổ chức tài chính vi mô là cá nhân bị thương tật vĩnh viễn không còn khả năng lao động tạo thu nhập, ngoài hồ sơ quy định tại các điểm a, b, c, d khoản khoản 5 Điều 11, Nghị định này phải có bản sao giấy tờ chứng minh bị thương tật vĩnh viễn không còn khả năng lao động tạo thu nhập do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ, trường hợp có tổn thất về tài sản đối với khoản nợ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xử lý theo nguyên tắc như sau: Xử lý tài sản bảo đảm (nếu có) theo thỏa thuận của các bên và theo quy định của pháp luật; Xác định nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý tổn thất về tài sản đối với khoản nợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tổ chức tín dụng đã được Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định các biện pháp cụ thể về trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quyết định đó của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng chính sách dự phòng rủi ro của ngân hàng nước ngoài trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo chính sách dự phòng rủi ro của ngân hàng nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 16 Nghị định này.
Việc trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các kỳ phiếu, tín phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thực hiện như trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với chứng chỉ tiền gửi theo quy định tại Nghị định này.
Đối với các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ trong trường hợp cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tiếp tục thực hiện việc trích lập dự phòng theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 7 năm 2024.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down