Thứ năm, 19/12/2024, 01:21

Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức về thực hành tiết kiệm

Thứ ba - 22/11/2022 20:07 639 0
Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” (được công bố ngày 18/11/2022) nêu rõ việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức về thực hành tiết kiệm

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.

Cụ thể như: Lập, thẩm định dự toán ngân sách nhà nước chưa sát thực tế. Nợ đọng thuế, thất thu, chậm nộp, thu không đúng, không đủ; vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra tương đối phổ biến. Hàng nghìn dự án chậm tiến độ, điều chỉnh nhiều lần, có thất thoát, lãng phí và đầu tư không hiệu quả. Số vốn không sử dụng hết, hủy dự toán và chuyển nguồn hằng năm còn lớn và có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, công tác cổ phần hóa, thoái vốn rất chậm. Vốn nhà nước đầu tư tại một số doanh nghiệp chưa được bảo toàn. Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí. Một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động không hiệu quả, sắp xếp lại còn chậm, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số Bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả, sử dụng sai mục đích, lãng phí; sắp xếp chậm, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, 5/6 quy hoạch vùng, hầu hết quy hoạch cấp tỉnh đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến. Nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất kéo dài, nhưng chậm được khắc phục, xử lý.

“Hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra. Cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ và một số chính quyền địa phương còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chồng chéo, chưa hợp lý trong chức năng, nhiệm vụ. Việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện thành công ty cổ phần còn chậm.

Tinh giản biên chế mới chủ yếu giảm về số lượng, chưa gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Việc quản lý, sử dụng biên chế, thời gian lao động ở nhiều Bộ, ngành, địa phương còn bất cập; cải cách hành chính chưa đạt kết quả như yêu cầu”, Nghị quyết nêu rõ.

Nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính công, tài sản công gây thất thoát, lãng phí rất lớn. Việc triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước còn chậm. Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án chưa cao...

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị quyết nêu rõ: Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.

Tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

“Từ năm 2023, phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, Quốc hội yêu cầu.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp yêu cầu thực tiễn. Từ năm 2023, thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí các nguồn lực...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down