Thứ ba, 21/01/2025, 20:08

Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự và các cơ chế, chính sách về phòng thủ dân sự

Thứ ba - 14/11/2023 20:52 329 0
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1343/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Theo đó, mục tiêu của Chiến lược nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, góp phần quan trọng vào ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Quyết định số 1343/QĐ-TTg đã đề ra nhiệm vụ đối với việc toàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng thủ dân sự, cụ thể:
- Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự.
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung các quy định nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa các sự cố do lỗi chủ quan của con người, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng thủ dân sự.
- Nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách huy động hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chủ động tham gia có hiệu quả vào hoạt động phòng thủ dân sự.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các vấn đề bất cập trong cơ chế, chính sách, vướng mắc trong tổ chức thực hiện để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục, kịp thời đưa các chính sách vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Cũng theo Quyết định này, nhiệm vụ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức cho các lực lượng và nhân dân trong thực hiện phòng thủ dân sự được thực hiện như sau:
- Đa dạng hóa hình thức, phương pháp thông tin, tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phòng thủ dân sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội trong phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; phổ biến cho nhân dân kỹ năng cần thiết để biết tự bảo vệ mình và chung tay bảo vệ cộng đồng.
- Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các lực lượng và nhân dân trong thực hiện phòng thủ dân sự. Nghiên cứu đưa những kiến thức phù hợp về phòng thủ dân sự vào chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên trong nhà trường từ cấp trung học phổ thông trở lên.
- Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức về phòng thủ dân sự cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền tại các bộ, ngành trung ương, địa phương.
- Làm tốt công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, xác định phòng thủ dân sự là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là lực lượng nòng cốt bảo vệ cuộc sống của nhân dân trong mọi tình huống.
- Tích cực, chủ động phòng, ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu lợi dụng sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa để tuyên truyền xuyên tạc, chống Đảng, Nhà nước, kích động gây mất an ninh, trật tự, gây khó khăn cho công tác huy động lực lượng và tổ chức ứng phó khắc phục hậu quả.
- Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực, tự giác tham gia các hoạt động phòng thủ dân sự, đặc biệt hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down