Thực hiện Công văn số 2269-CV/TU ngày 31/12/2024 của Tỉnh uỷ Lai Châu về việc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 107-KL/TW, ngày 24/12/2024 của Bộ Chính trị; ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự đảng UBND tỉnh (gửi Kết luận số 107-KL/TW, ngày 24/12/2024 của Bộ Chính trị kèm theo); Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Bảo đảm các trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được tiếp nhận, thụ lý, xử lý kịp thời, đúng thời hạn, thủ tục quy định; các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được xử lý, giải quyết kịp thời từ cơ sở, bảo đảm thấu tình, đạt lý, không để tồn đọng, kéo dài, khiếu kiện vượt cấp. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân, đối thoại với người dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phân công rõ trách nhiệm cho các đồng chí trong tập thể lãnh đạo theo dõi, chỉ đạo giải quyết hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chịu trách nhiệm người đứng đầu nếu thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý để xảy ra các vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực trực tiếp quản lý, phụ trách.
2. Tổ chức rà soát, kiến nghị để hoàn thiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích của công dân, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Trước hết, tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và pháp luật có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập, khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phán ánh của công dân; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật tố tụng (hành chính, dân sự, hình sự) để hoàn thiện các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phán ánh trong hoạt động tư pháp.
3. Thực hiện nghiêm các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; các kiến nghị qua giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Rà soát, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự; nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, môi trường, dân tộc, tôn giáo, đầu tư, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, chế độ, chính sách đối với người lao động và các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp trong hoạt động tố tụng tư pháp, dư luận xã hội quan tâm.
4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tổ chức triển khai cập nhật kịp thời, đầy đủ thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia; bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh; khắc phục tình trạng chuyển khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh sai thẩm quyền, không rõ trách nhiệm xử lý, nhiều cơ quan chuyển đơn nhiều lần cùng một nội dung.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, nhất là các hành vi thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, cố tình kéo dài việc giải quyết hoặc để xảy ra các vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài.
6. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất các trụ sở tiếp dân; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân
7. Công an tỉnh chỉ đạo nắm chắc diễn biến của tình hình khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, có nguy cơ phát sinh điểm nóng về an ninh, trật tự; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, hoá giải các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp; xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn.
8. Đề nghị các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, đẩy mạnh công tác hoà giải, vận động, thuyết phục công dân chấm dứt khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không đúng quy định pháp luật, giảm thiểu các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.
9. Các cơ quan chức năng và báo chí, truyền thông đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tích cực tuyên truyền, biểu dương gương người tốt, việc tốt, phê phán, lên án, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, tránh hiện tượng đưa tin một chiều, sai lệch nội dung, bản chất sự việc, gây ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân liên quan; đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, lợi dụng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, đoàn kết toàn dân tộc.
10. Giao Thanh tra tỉnh hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ tại Công văn này; kịp thời báo cáo UBND tỉnh các nội dung phát sinh và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định./.
Công văn số 314/UBND-TH:
Tại đây