Chủ nhật, 28/04/2024, 08:05
hoagiaiocoso

Vai trò của người bào chữa trong phiên tòa xét xử

Thứ năm - 04/01/2024 22:51 78 0

Theo tôi biết, bị can, bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Trong trường hợp có luật sư thì luật sư có bắt buộc phải tham dự phiên tòa để bào chữa cho thân chủ hay không?

Trả lời

Người bào chữa là một trong những người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Theo khoản 1 Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, “Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa”.

Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, Điều 16 Bộ luật này quy định:

“Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này”.

Người bào chữa có thể là luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị buộc tội.

Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 72 của Bộ luật này, những người sau đây không được bào chữa:

“a) Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;

b) Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

c) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc”.

Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

Sự có mặt của người bào chữa được quy định tại Điều 291 của Bộ luật này như sau:

“1. Người bào chữa phải có mặt tại phiên tòa để bào chữa cho người mà mình đã nhận bào chữa. Người bào chữa có thể gửi trước bản bào chữa cho Tòa án. Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Nếu người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử.

2. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này mà người bào chữa vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa”.

Để bảo đảm sự có mặt của người bào chữa khi tiến hành các hoạt động tố tụng, khoản 1 Điều 11 Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an, “Cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc phải báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành tố tụng mà người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền tham gia tối thiểu 24 giờ đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cư trú cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc, 48 giờ đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cư trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc trước ngày tiến hành hoạt động tố tụng. Trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhất trí với Điều tra viên, Cán bộ điều tra thời hạn sớm hơn thì việc thực hiện các hoạt động tố tụng được thực hiện theo thỏa thuận đó”.

Trường hợp người bào chữa đã được cơ quan đang thụ lý vụ án báo trước mà không có mặt thì hoạt động tố tụng vẫn được tiến hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 291 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nêu trên.

Có nghĩa là, về nguyên tắc người bào chữa phải có mặt tại phiên tòa để bào chữa cho người mà mình đã nhận bào chữa. Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Nếu người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập59
  • Hôm nay9,549
  • Tháng hiện tại383,470
  • Tháng trước356,589
  • Tổng lượt truy cập4,403,856
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down