Tình huống 1
Gia đình ông Việt có một mảnh đất rộng 02ha trồng cây hàng năm tại xã Sơn Bình huyện Tam Đường, ông đã dâu tây trên đó để cung cấp cho các cửa hàng nông sản ở thành phố Lai Châu, vì nhu cầu ngày càng tăng cao, gia đình ông không đủ đất để trồng khoai nên muốn mua đất trồng cây hàng năm của bà con trong thôn, theo tính toán thì ông cần thêm 25ha để trồng khoai mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hỏi, ông Việt có thể nhận 25ha chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp từ bà con trong thôn mình không? Vì sao?
Trả lời:
Ông Việt không thể nhận 25ha chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp từ bà con trong thôn, vì:
Khoản 5 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 quy định:
“ Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm:…..5. Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật Đất đai,...”
Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trong đó, hạn mức chuyển nhượng đất trồng cây hàng năm được quy định tại khoản 1 Điều 44 như sau:
“1. Đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối:
a) Không quá 30 héc ta cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
b) Không quá 20 héc ta cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại”.
Căn cứ các quy định trên, việc gia đình ông Việt muốn nhận chuyển nhượng 25ha đất nông nghiệp của bà con tại thôn Bình Yên xã Chi Thiết huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là trái quy định của pháp luật, trong trường hợp này, gia đình ông Việt chỉ được nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp tối đa là 20ha.
Tình huống 2:
Tháng 01 năm 2022, gia đình ông Hữu được Ủy ban nhân dân huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu giao 03 hecta đất tại xã Khổng Lào để trồng cây lâu năm, gia đình ông đã trồng cây Keo trên diện tích 02 hecta đất được giao, còn lại 01 hecta đất gia đình ông vẫn để trống, không sử dụng. Thấy vậy, anh Bình là Trưởng thôn xã Khổng Lào muốn biết pháp luật quy định như thế nào về việc “không sử dụng đất” để đến vận động gia đình ông Hữu tiếp tục trồng cây Keo hoặc các loại cây lâu năm khác vào 01 hecta đất còn lại để bảo đảm đất không bị trống, tránh gây lãng phí.
Trả lời:
Khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 quy định các hành vi bị nghiêm cấm: “3. Không sử dụng đất, sử dụng không đúng mục đích”.
Điểm h Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định: “1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: … h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục”.
Điều 32 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định:
“Điều 32. Không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục
1. Hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng quy định tại Điều 15 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng dưới 0,5 héc ta;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 03 héc ta đến dưới 10 héc ta;
d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 10 héc ta trở lên.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai”.
Căn cứ các quy định nêu trên, anh Bình có thể đến và phổ biến cho gia đình ông Hữu biết việc không sử dụng hết diện tích đất được giao là hành vi “không sử dụng đất”, đây là hành vi trực tiếp gây lãng phí đất đai, thuộc những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013; trường hợp đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP nêu trên và buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao; trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013. Qua đó, sẽ giúp gia đình ông Hữu nâng cao kiến thức pháp luật, từ đó gia đình sẽ chấp hành các quy định của pháp luật.
Tình huống 3:
Ông Vinh có 1 thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi mục đích sử dụng đất là “đất trồng cây hàng năm”. Tuy nhiên, ông Vinh không sử dụng thửa đất nêu trên để trồng cây hàng năm, mà tự ý xây nhà trên thửa đất đó khi chưa được cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hỏi: Việc ông Vinh xây nhà trên đất trồng cây hàng năm là đúng hay sai? Hành vi này vi phạm vào những điều nào của Luật đất năm 2013?
Trả lời:
Hành vi tự ý xây nhà trên thửa đất “đất trồng cây hàng năm” của ông Vinh là sai; vi phạm vào Khoản 3 Điều 12 và điểm d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013, cụ thể như sau:
“Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm:…3. Không sử dụng đất, sử dụng không đúng mục đích”.
“Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:…
d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp”.
Tình huống 4:
Gia đình chị My có quyền sử dụng 01 thửa đất trồng cây lâu năm, chị My đã trồng cây ăn quả trên thửa đất nói trên.
Hỏi: Hoa quả thu hoạch từ cây trồng trên thửa đất trên có thuộc sở hữu của gia đình chị My không?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 166 Luật Đất đai năm 2013 quy định:
“Điều 166. Quyền chung của người sử dụng đất
…2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất”.
Trong đó, thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất là những sản phẩm lao động hoặc đầu tư của người sử dụng, gồm:
+ Những tài sản gắn liền với đất như: nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng...
+ Khả năng sinh lợi, lợi thế được tạo nên trong quá trình sử dụng đất như cải tạo, khai phá, san lấp, tôn tạo...
+ Sản phẩm thu hoạch từ cây trồng, vật nuôi.
Người sử dụng đất hợp pháp được pháp luật bảo hộ quyền hưởng thành quả lao động và đầu tư trên đất được giao. Theo đó, chị My có quyền hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất mà cụ thể ở đây là hoa quả thu hoạch từ cây trồng trên thửa đất trên.
Tình huống 5:
Anh Hùng và chị Hà là hàng xóm, do có tranh chấp về đất đai với chị Hà nên ngày 01/8/2023 anh Hùng đã nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai đến Ủy ban nhân dân xã. Tuy nhiên, đến nay 01/10/2023, đã được 60 ngày kể từ ngày anh Hùng nộp đơn mà Ủy ban nhân dân xã vẫn không giải quyết cũng không có phản hồi lại.
Hỏi: Việc anh Hùng nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai đến Ủy ban nhân dân xã đã được 60 ngày, nhưng Ủy ban nhân dân xã không tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai, cũng không có phản hồi lại là đúng hay sai?
Trả lời:
Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 quy định:
“Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Căn cứ quy định nêu trên thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Vậy, việc anh Hùng nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai đến Ủy ban nhân dân xã đã được 60 ngày, nhưng Ủy ban nhân dân xã không tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai, cũng không có phản hồi lại là sai.
Tình huống 6:
Chị Nga là thành viên mới của tổ hoà giải tại xã Bình Lư huyện Tam Đường, chị Nga được Tổ trưởng Tổ hoà giải phân công hoà giải một vụ việc liên quan đến đất đai, chị muốn biết pháp luật quy định những hành vi nào bị nghiêm cấm trong Luật đất đai?
Trả lời:
Điều 12 Luật đất đai năm 2013 quy định 10 hành vi bị nghiêm cấm trong đất đai, như sau:
1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.
4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
5. Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật đất đai.
6. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.
9. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.
10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Tình huống 7:
Vợ chồng ông Long sinh sống tại thôn Bình Yên xã Chi Thiết, huyện Sơn Dương, năm 2022, vợ chồng ông có tích góp được 300 triệu đồng để mua 1 thửa đất ở thôn bên cạnh (thôn Khán Cầu). Tháng 9/2023, do cần tiền nên vợ chồng ông Long muốn chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất ở thôn Khán Cầu cho anh Nam, nhưng con trai của vợ chồng ông Long (là anh Hiệp đang sinh sống thường trú ở Hà Nội) biết tin và không cho vợ chồng ông chuyển nhượng thửa đất đó, vì muốn vợ chồng ông Long sau này tặng cho thửa đất đó cho mình.
Hỏi: Vợ chồng ông Long có được chuyển nhượng thửa đất nêu trên không?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 quy định:
“Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này…”.
Căn cứ quy định nêu trên, vợ chồng ông Long với tư cách là người sử dụng đất hợp pháp có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất của mình theo quy định tại Điều 167 Luật Đất đai năm 2013. Anh Hiệp không có quyền ngăn cản việc vợ chồng ông Long chuyển nhượng thửa đất đó.
Tình huống 8:
Bà Hằng là thành viên tổ hoà giải xã Sơn Bình huyện Tam Đường, bà được Ông Nam là Tổ trưởng tổ hoà giải phân công hoà giải 01 vụ việc liên quan đến hôn nhân cận huyết thống. Bà Hằng muốn biết hôn nhân cận huyết thống là gì? Và tác hại của hôn nhân cận huyết thống để hoà giải vụ việc được giao?
Trả lời:
Khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích từ ngữ Những người có họ trong phạm vi ba đời, như sau:
“Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba”.
Theo minh chứng của khoa học, cơ thể người được hình thành từ gene di truyền của bố và mẹ. Trung bình một người có thể có tới 500 -600 nghìn gene khác nhau. Có hai loại đó là gene lặn và gene trội. Thông thường gene trội là những biểu hiện tốt về người con được thừa hưởng từ bố và mẹ như: chỉ số thông minh, màu tóc, nước da, màu mắt, chiều cao…Còn gene lặn là những biểu hiện không tốt, có thể đó là gene lặn bệnh lý và không bộc lộ ra ngoài. Tuy nhiên hôn nhân cận huyết là điều kiện tốt cho gene lặn phát triển và biểu hiện rõ. Những cặp gene bệnh lý ở cả bố và mẹ sẽ kết hợp với nhau làm cho hình hài đứa trẻ sinh ra bị dị tật. Cụ thể như sau:
1. Mắc bệnh di truyền và dị tật
Những bệnh di truyền từ ông, bà, bố và mẹ sẽ được di truyền sang con. Hầu hết các bệnh di truyền do hậu quả của kết hôn cận huyết gặp phải như:
- Bệnh mù màu, không phân biệt được giữa hai sắc màu với nhau.
- Rất dễ mắc phải những bệnh về tim mạch, đặc biệt là bệnh tim bẩm sinh.
- Bị dị tật như: câm, điếc, vẹo đầu, mù…
- Bênh Down, bạch tạng hoặc da bị vảy cá...
- Sức đề kháng kém và sinh lực yếu.
- Kém phát triển về chiều cao và cân nặng.
- Bị thiểu năng, trí tuệ không phát triển.
Những bệnh này mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời của những người sinh ra cùng huyết thống không may mắc phải.
2. Suy giảm nòi giống
Phần lớn những đứa trẻ được sinh ra từ hôn nhân cận huyết có khả năng sinh sống rất thấp. Nếu sống được thì cũng rất dễ mặc phải những căn bệnh như trên và gần như không có khả năng sinh sản. Nếu tiếp tục những cuộc hôn nhân như thế có thể dẫn tới suy giảm giống nòi rất nghiêm trọng.
Tình huống 9:
Ông Nam và bà Nga là 2 anh em ruột, ông Nam là bố của Hoàng và bà Nga là mẹ của Vân. Bà Nga lấy chồng xa, chưa bao giờ cùng con gái về ngoại, vào hồi tết năm 2022, Vân cùng bà Nga về thăm quê ngoại đã gặp Hoàng và hai người liền có tình cảm với nhau và xin bố mẹ tổ chức đám cưới để về chung sống một nhà với nhau. Ông Nam và bà Nga muốn biết, nếu Hoàng và Vân kết hôn thì có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
- Khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích từ ngữ Những người có họ trong phạm vi ba đời, như sau:
“Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba”.
Theo quy định trên, bố, mẹ của ông Nam và bà Nga là đời thứ nhất; ông Nam và bà Nga là đời thứ hai; Hoàng và Vân là đời thứ ba, theo đó Hoàng và Vân là người có họ trong phạm vi ba đời. Do đó, việc Hoàng và Vân lấy nhau là vi phạm pháp luật.
- Nếu Hoàng và Vân tổ chức đám cưới và về chung sống với nhau thì sẽ vi phạm điều cấm quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cấm “Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng”.
Hành vi vi phạm nêu trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã:
“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”.
Tình huống 10:
Vợ chồng ông Thành và vợ chồng ông Trung là hàng xóm thân thiết cùng sinh sống tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường. Gia đình ông Thành có người con trai tên Kiệt vừa tròn 20 tuổi và gia đình ông Trung có cô con gái tên Oanh tròn 17 tuổi, Kiệt và Oanh chơi với nhau từ bé, lớn lên hai người có tình cảm yêu đương. Biết chuyện tình yêu của Kiệt và Oanh, vợ chồng ông Thành và vợ chồng ông Trung thấy rất hài lòng và muốn tổ chức đám cưới cho hai cháu vào tháng 10/2023 để hai cháu sớm yên bề gia thất cũng như làm tăng mối quan hệ thân thiết của hai gia đình, nay càng trở nên khăng khít, gắn bó.
Tuy nhiên, qua nghe báo đài về tảo hôn, vợ chồng ông Trung băn khoăn không biết con gái mình đã đủ tuổi kết hôn chưa? Và nếu chưa đủ tuổi kết hôn, hai gia đình chỉ tổ chức đám cưới theo nghi lễ truyền thống cho hai cháu (chưa cho hai cháu lên UBND xã đăng ký kết hôn) thì có vi phạm pháp luật không?
Trả lời:
- Điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về độ tuổi kết hôn như sau:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”.
Như vậy, con gái ông Trung năm nay mới tròn 17 tuổi là chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp này, nếu gia đình hai bên tổ chức đám cưới theo nghi lễ truyền thống cho hai cháu (mặc dù hai cháu chưa lên UBND xã đăng ký kết hôn) vẫn vi phạm quy định của pháp luật, đó là hành vi “tảo hôn”. Tảo hôn theo giải thích tại khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 “là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định”, đây là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Ý kiến bạn đọc