Thứ tư, 11/09/2024, 02:16

Một số câu hỏi liên quan tới Luật phòng chống tham nhũng

Chủ nhật - 11/12/2022 21:15 693 0
Câu 1. Những tài sản, thu nhập nào phải kê khai ?
Trả lời:
Điều 35, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định những tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm:
- Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng;
- Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên;
- Tài sản, tài khoản ở nước ngoài;
- Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.
Câu 41. Việc kê khai lần đầu đối với tài sản, thu nhập được thực hiện như thế nào? 
Trả lời:
Khoản 1, Điều 36, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định kê khai lần đầu được thực hiện đối với những trường hợp sau đây:
-  Người đang giữ vị trí công tác gồm: Cán bộ, công chức; Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp) tại thời điểm từ ngày 01/7/2019. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2019;
- Người lần đầu giữ vị trí công tác gồm: Cán bộ, công chức; Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác.
Câu 2. Việc kê khai bổ sung, kê khai hàng năm đối với tài sản, thu nhập được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Khoản 2, 3 Điều 36, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Điều 10, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP quy định việc kê khai bổ sung, kê khai hàng năm đối với tài sản, thu nhập như sau:
- Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập, trừ trường hợp đã kê khai theo quy định dưới đây.
- Kê khai hằng năm phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 được thực hiện đối với những trường hợp sau đây:
+ Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên.
+ Người không thuộc trường hợp trên làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Những người thuộc đối tượng này bao gồm:
. Các ngạch công chức và chức danh sau đây:Chấp hành viên; Điều tra viên; Kế toán viên; Kiểm lâm viên; Kiểm sát viên; Kiểm soát viên ngân hàng; Kiểm soát viên thị trường;  Kiểm toán viên;  Kiểm tra viên của Đảng; Kiểm tra viên hải quan; Kim tra viên thuế; Thanh tra viên; Thm phán.
. Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.
. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Câu 3. Việc kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác cán bộ được thực hiện khi nào?
 Trả lời:
Khoản 4 Điều 36, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định việc kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác cán bộ được thực hiện đối với những trường hợp sau đây:
- Người có nghĩa vụ kê khai: Cán bộ, công chức; Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp) khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác.
Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác;
- Người có nghĩa vụ kê khai: Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Thời điểm kê khai được thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử.
  Câu 4.  Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai được thực hiện như thế nào? 
 Trả lời:
Điều 39, Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định công khai bản kê khai tài sản, thu nhập như sau:
- Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
- Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.
- Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử.
- Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Câu 5. Việc theo dõi biến động tài sản, thu nhập được thực hiện như thế nào? 
Trả lời:
Điều 40, Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo dõi biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thông qua phân tích, đánh giá thông tin từ bản kê khai hoặc từ các nguồn thông tin khác.
Trường hợp phát hiện tài sản, thu nhập có biến động từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai không kê khai thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu người đó cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan; trường hợp tài sản, thu nhập có biến động tăng thì phải giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
          Câu 6. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai khi nào?
Trả lời:
Điều 41, Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;
- Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;
- Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo;
- Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên;
- Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng.
Câu 7. Tiêu chí lựa chọn người được xác minh theo kế hoạch được quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 16, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP quy định việc lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh theo kế hoạch hằng năm phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:
- Người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.
- Người có nghĩa vụ kê khai chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong thời gian 04 năm liền trước đó.
- Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Người đang bị điều tra, truy tố, xét xử;
+ Người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận;
+ Người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.
Câu 8. Khi nào thì thực hiện việc yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập?Ai có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập?
Trả lời:
Điều 42, Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập như sau:
1. Việc yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau:
- Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;
- Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;
- Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo
- Khi xét thấy cần có thêm thông tin để phục vụ cho công tác cán b
2. Khi có một trong các căn cứ trên, cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây có quyền yêu cầu hoặc kiến nghị Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm, người dự kiến được bổ nhiệm Phó Tổng Kiểm toán nhà nước;
- Chủ tịch nước yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Thứ trưởng và chức vụ tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, người dự kiến được bầu hoặc đề nghị phê chuẩn chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
- Thường trực Hội đồng nhân dân yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bầu hoặc đề nghị phê chuẩn chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp;
- Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu xác minh đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
- Cơ quan thường vụ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bầu tại đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội;
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ đối với người có nghĩa vụ kê khai yêu cầu hoặc kiến nghị xác minh đối với người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng trực tiếp của mình, trừ trường hợp nêu trên.
Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác có quyền yêu cầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập nếu trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án xét thấy cần làm rõ về tài sản, thu nhập có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Thông cáo báo chí
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập109
  • Hôm nay9,362
  • Tháng hiện tại159,439
  • Tháng trước395,163
  • Tổng lượt truy cập6,086,779
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down