Thứ tư, 18/12/2024, 16:40

Một số kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp

Thứ ba - 18/10/2022 03:21 1.500 0
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp là hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục mà người tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật) trực tiếp nói với người nghe về một, một số nội dung pháp luật (quy phạm, chế định, văn bản pháp luật) nào đó. Mục đích của tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp là chuyển tải tới người nghe những kiến thức pháp luật, giúp họ nâng cao nhận thức, niềm tin về pháp luật, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật.

- Ưu thế của tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp: Là hình thức tuyên truyền linh hoạt, có thể tiến hành được ở nhiều nơi, nhiều lúc với quy mô lớn, nhỏ, ở các thời điểm khác nhau, có thể tiến hành cho mọi thành phần (cán bộ, nhân dân, trí thức, công nhân, nông dân, chiến sỹ lực lượng vũ trang, doanh nhân, phụ lão, học sinh, sinh viên, thiếu nhi...) trong một hội nghị lớn; trong nhóm người, thậm chí cho một người.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp là hình thức tổ chức thông tin hai chiều trực tiếp nên khi thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, người nói có điều kiện thuận lợi để giải thích, phân tích, làm sáng tỏ nội dung cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục; căn cứ tình hình cụ thể tại buổi tuyên truyền người nói điều chỉnh nội dung, phương pháp truyền đạt của mình nhằm đạt chất lượng, hiệu quả.

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp có một số hạn chế cơ bản: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp đòi hỏi người tuyên truyền vừa phải có kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực tuyên truyền, vừa phải có nghiệp vụ, kỹ năng mới có thể thu hút, lôi cuốn được người nghe. Khi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, người nói và người nghe dễ bị tác động của các yếu tố ngoại cảnh do tập trung đông người và ở các địa điểm khác nhau không thuận lợi.
 

1. Kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp

a) Gây thiện cảm ban đầu cho người nghe

Thiện cảm ban đầu thể hiện ở nhân thân, tâm thế, biểu hiện của người nói khi bước lên bục tuyên truyền. Danh tiếng, phẩm chất đạo đức, cấp bậc hàm, học hàm, học vị, chức vụ… của người nói là nguồn thiện cảm ban đầu cho người nghe, kích thích người nghe háo hức chờ đón buổi tuyên truyền. Thiện cảm ban đầu tạo sự hứng thú, say mê của người nghe, củng cố được niềm tin về vấn đề chuẩn bị được tuyên truyền. Thiện cảm ban đầu còn được tạo ra bởi dáng vẻ bề ngoài, nét mặt, cử chỉ, phong thái, lời nói giao tiếp ban đầu của người nói. Như vậy, báo cáo viên cần phải tươi cười bao quát hội trường, có lời chào mừng, chúc tụng, có câu mở đầu dí dỏm, hài hước, công bố thời gian, chương trình làm việc rõ ràng, thoải mái... sẽ gây được thiện cảm ban đầu đối với người nghe.

Thiện cảm ban đầu chủ yếu là ở cách đặt vấn đề để mở đầu cho nội dung cần tuyên truyền. Trong khoảng 5 đến 10 phút đầu tiên của bài giới thiệu, người nói phải nêu được ít nhất từ 3 đến 5 vấn đề chủ yếu mà đối tượng nghe cần nhất.

 b) Tạo sự hấp dẫn, ấn tượng trong khi nói

Nghệ thuật tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp là tạo nên sự hấp dẫn, gây ấn tượng bằng giọng nói, điệu bộ, ngôn ngữ. Giọng nói phải rõ ràng, mạch lạc nhưng truyền cảm, hết sức tránh lối nói đều đều; giọng nói, âm lượng phải thay đổi theo nội dung và nhấn mạnh vào những điểm quan trọng.

Sắc thái có tác dụng truyền cảm rất lớn, vẻ mặt của người nói cần thay đổi theo diễn biến của nội dung. Phong thái, động tác, cử chỉ cần phù hợp với nội dung và giọng nói để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Một phong thái nói sống động sẽ khiến người nghe chú ý, giúp nội dung tuyên truyền trở nên thú vị và người nghe sẽ dễ dàng hiểu những nội dung tuyên truyền. Ngoài ra, khi tuyên truyền, cách di chuyển cũng cần phải được để ý. Vì vậy, trong khi tuyên truyền sự giao tiếp bằng mắt là rất quan trọng, người nói nên nhìn vào những người khác nhau hơn là nhìn vào một điểm cố định.

Người nói cũng cần phát huy vai trò thông tin, truyền cảm của ngôn ngữ bằng cách sử dụng chính xác, đúng thuật ngữ pháp lý, thuật ngữ chuyên ngành và ngôn ngữ phổ thông, cụ thể:

Thứ nhất, là việc chọn lọc nội dung thông tin. Nội dung thông tin cần được báo cáo viên chọn lọc, có sự phân tích, lý giải, bình luận sâu sắc, đặc biệt các thông tin đều phải có định hướng về tư tưởng. Nếu báo cáo viên chỉ nói mang tính chất cung cấp thông tin thì sẽ dẫn đến người nghe bị nhàm chán, thậm chí nếu không có định hướng có thể dẫn tới sự hiểu lầm, gây tâm lý hoang mang đối với người nghe.

 Thứ hai, việc sử dụng ngôn ngữ văn phong hội thoại là một trong những kỹ năng quan trọng trong nghệ thuật tuyên truyền trực tiếp. Báo cáo viên nên dùng ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu. Ngôn ngữ sử dụng trong tuyên truyền trực tiếp phải là ngôn ngữ hội thoại, sử dụng những câu đơn giản, thường là câu đơn để giúp người nghe tiếp thu thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng và nhớ lượng thông tin được lâu hơn. Khi sử dụng ngôn ngữ cần chú ý đến các yếu tố ngữ âm, ngữ điệu, nhịp độ và ngừng giọng, âm lượng không nên to quá hoặc nhỏ quá. Khi cần nhấn mạnh nên dùng ngữ điệu (nhanh, chậm, ngừng nghỉ), không nên nói nhanh quá dẫn đến nuốt từ, người nghe không kịp nhận biết nội dung của câu nói và ngược lại nếu nói chậm quá sẽ tạo không khí “buồn ngủ” trong hội trường.

Ngoài ra để tạo sự hấp dẫn, ấn tượng khi nói, cần phải sử dụng những yếu tố bất ngờ để tạo ra câu mới, độc đáo, sử dụng sáng tạo linh hoạt một số những thành ngữ, tục ngữ. Bên cạnh đó, cần sử dụng các con số để chứng minh cho luận điểm mình đưa ra nhằm tăng tính hấp dẫn đối với người nghe.

Trong quá trình nói, báo cáo viên cần đổi mới phương thức tuyên truyền theo hướng thông tin hai chiều, tăng cường đối thoại với người nghe, khơi gợi và hướng người nghe nêu câu hỏi tập trung vào nội dung và chủ đề tuyên truyền. Luôn có thái độ cầu thị, tôn trọng, chú ý lắng nghe câu hỏi của người nghe để trả lời rõ ràng, đúng và trúng yêu cầu. Những vấn đề chưa rõ hoặc chưa thể trả lời thì khéo léo đề nghị để trả lời riêng hoặc xin lui vào dịp khác. Không trả lời những vấn đề chưa nắm vững.

c) Đảm bảo các nguyên tắc sư phạm

Người nói cần tôn trọng các nguyên tắc sư phạm. Từ bố cục bài tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, diễn đạt các nội dung, liên kết giữa các nội dung đến cách nói đều phải rõ ràng, mạch lạc, lôgic. Người nghe cần được dẫn dắt từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ gần đến xa (phương pháp suy diễn) hoặc từ xa đến gần (phương pháp quy nạp) và tuỳ từng nội dung mà dùng lý luận soi sáng cho thực tiễn hoặc từ thực tiễn mà đi sâu vào lý luận. Tuy nhiên dù phân tích, diễn giải rộng hay hẹp đều phải bám vào nội dung trọng tâm của vấn đề cần tuyên truyền.

d) Sử dụng phương pháp thuyết phục trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp chủ yếu dùng phương pháp thuyết phục với ba bộ phận cấu thành là chứng minh, giải thích và phân tích.

Chứng minh là cách thuyết phục chủ yếu dựa vào các dẫn chứng xác thực để làm sáng tỏ và xác nhận tính chính xác của nội dung tuyên truyền. Các dẫn chứng đưa ra gồm số liệu, sự kiện, hiện tượng, nhân chứng, danh ngôn, kinh điển. Các dẫn chứng này phải chính xác, tiêu biểu, sát hợp với vấn đề cần chứng minh, có như vậy mới có sức thuyết phục.

Giải thích là việc dùng lý lẽ để giảng giải giúp người nghe hiểu rõ và hiểu đúng nội dung tuyên truyền. Lập luận trong khi giải thích phải chặt chẽ, chính xác, khúc triết, không ngụy biện.

Phân tích là mổ xẻ vấn đề nhằm tìm được đặc điểm, bản chất, điểm mạnh, điểm yếu, điểm tốt, điểm xấu, sự phù hợp... của nội dung tuyên truyền. Việc phân tích phải dựa trên cơ sở khoa học, không được cường điệu mặt này, hạ thấp mặt kia, tô hồng hoặc bôi đen sự việc. Sau khi phân tích phải có kết luận, đánh giá, hướng người nghe vào định hướng tư duy đúng đắn, không làm cho người nghe hoài nghi, dao động, hoang mang.

2. Các bước tiến hành một buổi tuyên truyền pháp luật

Để có một buổi tuyên truyền pháp luật trực tiếp cần qua 2 bước: Bước chuẩn bị và bước tiến hành.

a. Bước chuẩn bị gồm 5 nội dung chính sau đây :

- Nắm vững đối tượng truyên truyền: 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”. Như vậy, muốn tuyên truyền trực tiếp thành công, báo cáo viên phải đặt câu hỏi: Nói cho ai nghe? “Ai” ở đây chính là đối tượng mà báo cáo viên tác động đến. Nắm vững đối tượng truyên truyền sẽ có sự chuẩn bị về phạm vi, nội dung văn bản pháp luật cần tuyên truyền, phương pháp tuyên truyền phù hợp với trình độ nhận thức, tâm lý, đặc điểm của đối tượng tuyên truyền.

Nắm vững đối tượng tuyên truyền về số lượng, thành phần, trình độ văn hoá, ý thức thực hiện pháp luật và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đối tượng…, cụ thể: Phải nghiên cứu đặc điểm về mặt xã hội: giai cấp, dân tộc, nghề nghiệp, học vấn, giới tính, tuổi tác… của người nghe. Nghiên cứu các đặc điểm về tư tưởng và tâm lý - xã hội: quan điểm, chính kiến, động cơ, khuôn mẫu tư duy, tâm trạng, trạng thái thể chất,… của người nghe. Nghiên cứu về nhu cầu, thị hiếu thông tin: thái độ của người nghe đối với nội dung thông tin; biện pháp, cách thức thỏa mãn nhu cầu thông tin của người nghe.

Báo cáo viên pháp luật có thể nắm vững đối tượng thông qua kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc trực tiếp tự điều tra, tìm hiểu, gặp gỡ, quan sát... hay gián tiếp qua báo cáo của các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp.

- Nắm vững vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà văn bản điều chỉnh: Đó là các vấn đề về kỹ thuật nghiệp vụ chuyên ngành, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đó, các tài liệu lý luận, giáo khoa, các tài liệu của nước ngoài trong lĩnh vực đó. Để nắm vững vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà văn bản điều chỉnh đòi hỏi báo cáo viên ngoài trình độ chuyên môn tốt cần phải có quá trình tích lũy, sưu tầm với một ý thức trách nhiệm và lòng say mê với nghề nghiệp.

- Nắm vững nội dung văn bản, cụ thể là hiểu rõ bản chất pháp lý của vấn đề được văn bản điều chỉnh, sự cần thiết phải ban hành văn bản; hiểu rõ đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh của văn bản; hiểu rõ ý nghĩa của các quy phạm, đặc biệt là ý nghĩa về mặt quản lý Nhà nước, về tác dụng điều chỉnh của từng quy phạm cụ thể; nghiên cứu các văn bản hướng dẫn thi hành, tài liệu hướng dẫn tuyên truyền và hệ thống văn bản điều chỉnh lĩnh vực đó.

- Sưu tầm tài liệu dẫn chứng, minh họa: Đây là nội dung rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến chất lượng, độ sâu và sức thuyết phục của buổi tuyên truyền. Khi sưu tầm tài liệu, báo cáo viên cần chú ý đến tính chất, yêu cầu của tài liệu đó, tuyệt đối tránh tài liệu, dẫn chứng minh họa thuộc diện mật của Đảng và Nhà nước; số liệu, dẫn chứng đã cũ không còn phù hợp với hiện tại.

- Chuẩn bị đề cương: Bao gồm đề cương sơ bộ và đề cương chi tiết, cần đầy đủ về nội dung, thích hợp với đối tượng, chặt chẽ về bố cục, sắc sảo về lập luận. Để thu hút người nghe và tạo điều kiện cho người nghe hiểu văn bản có tính hệ thống, toàn bộ các phần trong đề cương phải có mối quan hệ hữu cơ với nhau như một câu chuyện: Yêu cầu, nhiệm vụ của văn bản; cơ chế quản lý như thế nào; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể ra sao; chế tài áp dụng đối với người vi phạm thế nào... để sao cho đạt được yêu cầu, nhiệm vụ cần tuyên truyền.

b. Tiến hành một buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp

Một buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp thường có các phần sau:

Vào đề: Báo cáo viên giới thiệu vấn đề, định hướng tư duy, khơi gợi nhu cầu tìm hiểu pháp luật nói chung và những quy định của văn bản pháp luật chuẩn bị giới thiệu cho người nghe, thiết lập mối quan hệ, giao lưu tốt giữa báo cáo viên pháp luật với người nghe. Thường có hai cách để vào đề là vào đề trực tiếp và vào đề gián tiếp. Vào đề trực tiếp là giới thiệu trực tiếp chủ đề nội dung cần tuyên truyền. Hình thức này thường được thực hiện với đối tượng đã quen thuộc, thời gian tuyên truyền ngắn. Vào đề gián tiếp là đưa ra một luận đề nào đó (gần với chủ đề tuyên truyền) rồi dẫn dắt người nghe đến vấn đề báo cáo viên định nói.

Nội dung: Là phần chủ yếu của buổi tuyên truyền, làm cho đối tượng hiểu, nắm được nội dung, chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức pháp luật cho đối tượng. Trong tuyên truyền văn bản phải chú ý tới hai vấn đề, đó là: lựa chọn nội dung và phương pháp trình bày phù hợp với người nghe và nêu được những vấn đề cơ bản, cốt lõi, trọng tâm để người nghe nắm được tinh thần, nội dung cơ bản của văn bản.

Phần kết luận: Báo cáo viên pháp luật điểm lại và tóm tắt những vấn đề cơ bản đã tuyên truyền. Tùy từng đối tượng mà nêu những vấn đề cần lưu ý đối với họ.

Trả lời câu hỏi của người nghe: Cần dành thời gian cần thiết gợi ý và trả lời các câu hỏi mà người nghe quan tâm, chưa hiểu rõ. Đây là việc rất cần thiết trong buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp để người nghe đưa ra những thắc mắc, những vấn đề chưa hiểu, những quy định chưa rõ, những kiến nghị, đề xuất… để báo cáo viên có thể giải thích, làm rõ thêm vấn đề cho người nghe hiểu.

Hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Để đạt hiệu quả của cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, báo cáo viên pháp luật cần phải dày công tích luỹ kiến thức pháp luật, chuẩn bị chu đáo đề cương, tâm lý. Bên cạnh đó, phải có nghệ thuật trong việc gây thiện cảm, ấn tượng, hấp dẫn, chú ý của người nghe từ khi bắt đầu buổi tuyên truyền và trong suốt quá trình truyền đạt; tạo ra sự hứng thú của người nghe, kích thích nhu cầu tìm hiểu pháp luật nói chung và quy định của pháp luật đang giới thiệu; khi kết thúc buổi tuyên truyền để lại những điều lưu ý cho người nghe tiếp tục suy nghĩ, tìm hiểu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down