Thứ sáu, 19/04/2024, 09:50
hoagiaiocoso

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng: Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam

Chủ nhật - 06/11/2022 22:20 690 0
Sau 10 năm thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đạt được kết quả tích cực. Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu về nội dung này.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng: Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam

Tăng cường nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân

-Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả sau 10 năm triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam và thực hiện Luật phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Lai Châu?

Ngay sau khi Luật phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua, tại Điều 8 có quy định lấy ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Có thể khẳng định 10 năm qua, rất nhiều kết quả từ việc hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật và thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, có thể kể đến: Nhận thức của nhân dân và doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật, áp dụng pháp luật được nâng lên một cách rõ rệt.

Các cơ quan công quyền thực thi trong phạm vi pháp luật quy định đã chủ động xây dựng, thi hành pháp luật, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ngày Pháp luật không chỉ nhằm tôn vinh luật pháp mà còn tăng cường nhận thức và hiểu biết cho mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc về vai trò của luật pháp trong đời sống xã hội, khả năng thực thi pháp luật trong mọi hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà; tạo sự thống nhất trong nhận thức đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, từ đó nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân, ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao dân trí pháp lý, văn hóa pháp luật.

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả ngày Pháp luật, cán bộ đảng viên và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn sẽ hạn chế thấp nhất những hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững mặt trận tư tưởng của từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân; gắn kết giữa giáo dục kỷ luật với giáo dục đạo đức, từ đó làm cơ sở định hướng hành vi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân phù hợp yêu cầu của pháp luật. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân luôn phấn đấu “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ nhận thức pháp luật, góp phần xây dựng xây dựng tỉnh Lai Châu ngày một phát triển.

Có thể nói Ngày Pháp luật đã đem lại hiệu quả rất tích cực, tình hình vi phạm pháp luật nhìn chung có xu hướng giảm, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Gắn kết giữa PBGDPL và xây dựng, thi hành pháp luật

-Với đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới, việc triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật và các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn như thế nào?

Có thể nói, về thuận lợi đó là, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, cũng như tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hầu hết, các cấp ủy Đảng nhất là các chi ủy, chi bộ đã xác định rõ công tác này là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú đa dạng. Việc xây dựng thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Lai Châu được xây dựng ban hành kịp thời, đúng quy định, từ đó tạo thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị hàng năm xây dựng, bảo vệ kinh phí phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Còn về khó khăn, các Chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật thì nhiều, mục tiêu lớn nhưng thiếu nguồn lực đảm bảo thực hiện; chính sách xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được triển khai rộng rãi và chưa thu hút được nhiều nguồn lực hỗ trợ, tài trợ. Còn một số ít cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi trọng việc thực hiện Ngày pháp luật. Việc triển khai ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa coi việc triển khai Ngày pháp luật là việc làm thường xuyên, liên tục để giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật cán bộ, nhân dân.

-Vậy những giải pháp nào sẽ được tỉnh Lai Châu ưu tiên thực hiện để mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác PBGDPL, thưa ông?

Để thực hiện hiệu quả Ngày pháp luật và Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, thời gian tới Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đưa ra những giải pháp trọng tâm để triển khai, thực hiện đó là:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước, phát triển xã hội, tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật. Việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần bám sát và cụ thể hoá tinh thần Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện thật tốt Luật PBGDPL năm 2012; rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật để phù hợp với thực tiễn, trong đó có các quy định về Ngày Pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam theo hướng gắn kết giữa PBGDPL và xây dựng, thi hành pháp luật, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm để trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi người. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông, báo chí, các thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở, cổ động trực quan.

Thứ ba, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL từ tỉnh đến cơ sở, nhất là đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chủ động trong tìm hiểu và gương mẫu trong thực thi pháp luật.

Thứ tư, tổ chức thực hiện PBGDPL hướng mạnh về cơ sở, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị và đoàn thể trong triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam. Xây dựng và phát triển các mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hiệu quả, thiết thực gắn với xây dựng nông thôn mới và phong trào hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, hướng tới nhóm đối tượng đặc thù theo Luật PBGDPL để mọi người đều được tham gia học tập, tìm hiểu pháp luật.

Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác PBGDPL nói chung, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng; phát huy vai trò của nhà trường, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực pháp luật, tổ chức hành nghề luật tham gia hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.

-Trân trọng cảm ơn ông!
                                                                                                                                                 Thế  Anh - Nguyễn Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down