Thứ sáu, 26/04/2024, 12:53
hoagiaiocoso

Xử lý hành vi gọi điện lừa đảo có người thân bị tai nạn và yêu cầu chuyển tiền cấp cứu

Thứ năm - 23/03/2023 22:44 252 0

Dạo gần đây tôi thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng và mọi người truyền tai nhau nhiều thủ đoạn của tội phạm sử dụng không gian mạng. Mới nhất là chúng lợi dùng tâm lý lo lắng của người thân, giả mạo cùng cơ quan hay giáo viên gọi điện báo cho gia đình, phụ huynh có người bị tai nạn, cần chuyển tiền gấp để nộp tiền cấp cứu.

Xin hỏi, người lừa đảo như vậy bị xử lý như thế nào? nếu là người chưa thành niên thì có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?

Trả lời

Đúng như bạn đã thông tin, hiện nay tội phạm sử dụng rất nhiều phương thức thủ đoạn mới để thực hiện hành vi phạm tội, mà việc giả mạo gọi điện báo về việc người thân đang bị tai nạn, yêu cầu chuyển tiền gấp để cấp cứu dạo gần đây là ví dụ.

Trước tiên, khi nhận được thông tin về việc người thân bị tai nạn, nhất là có thêm yêu cầu chuyển tiền gấp, mọi người cần bình tĩnh liên hệ với cơ quan, trường học nơi người thân đang công tác, học tập để kiểm chứng. Tuyệt đối không chuyển tiền ngay theo yêu cầu của đối tượng để phòng tránh việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, sau khi xác minh lại và phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần trình báo cơ quan Công an để điều tra, làm rõ, xử lý người vi phạm. Đồng thời, cảnh báo, tuyên truyền để giúp người dân nâng cao cảnh giác.

Đối với hành vi đưa ra thông tin gian dối để các nạn nhân tin tưởng và giao tài sản ở trường hợp này có thể cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cụ thể:

Theo khoản 1 của Điều này, “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”.

Như vậy, sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng có thể bị xem xét xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trường hợp số tiền chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 174 nêu trên thì cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt tương tự.

Nếu không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ví dụ sử dụng thủ đoạn gian dối nhừm chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng và cũng không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự, theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, người thực hiện một trong các hành vi “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Ngoài ra, theo điểm a khoản 3 của Điều này, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này”.

Trường hợp bị xử lý hình sự, tùy theo tính chất, mức độ và số tiền chiếm đoạt, người vi phạm bị xử lý theo khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 của Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Việc bị xử lý hành chính hay phải chịu trách nhiệm hình sự, cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả để xem xét, quyết định.

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Điều 12 của Bộ luật này quy định:

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.

Như vậy, nếu người gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ đủ 16 tuổi trở lên, hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu độ tuổi của người này tại thời điểm thực hiện hành vi dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản QPPL Lai Châu
Tiếp cận thông tin
PBGDPL nước ngoài
Dự thảo văn bản
Chuyển đổi số
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay16,252
  • Tháng hiện tại360,174
  • Tháng trước356,589
  • Tổng lượt truy cập4,380,560
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down